Hội thảo quốc tế về quy hoạch TP Bảo Lộc theo hướng phát triển bền vững với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sỹ, kiến trúc sư trong và ngoài nước đã đi đến thống nhất đề nghị quy hoạch TP Bảo Lộc theo hướng đô thị sinh thái. Lý do nào để các chuyên gia đưa ra định hướng này và các bước thực hiện sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới được nhiều người quan tâm.

Đô thị Bảo Lộc hiện hữu với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên. Ảnh: Đ.Anh

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết: Sau thời gian được lập quy hoạch chung và được điều chỉnh thì Bảo Lộc vẫn được xác định giữ vị trí đô thị trung tâm phía Nam của tỉnh. Tuy nhiên, trong suốt quá trình phát triển, Bảo Lộc vẫn chưa chọn cho mình được một hình thái đô thị đặc trưng. Chính vì vậy, hội thảo quốc tế lần này không nằm ngoài mục đích chọn được mô hình phát triển phù hợp. Đó có thể là đô thị sinh thái, đô thị thông minh hay đô thị du lịch – nông nghiệp… Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu để xác định lại mô hình đô thị phù hợp cho Bảo Lộc để có thể làm đồ án có chất lượng. Sự phù hợp cho đô thị Bảo Lộc thể hiện ở việc có thể khắc phục những tồn tại trước đây và phù hợp với xu thế phát triển đô thị bền vững trong tương lai. Với đặc thù của đô thị Bảo Lộc như hiện nay với các yếu tố xanh, yếu tố về sinh thái và khí hậu đặc thù thì phần nào đã định hình cho Bảo Lộc là một đô thị sinh thái.

Hầu hết các chuyên gia đầu ngành và những người có am hiểu về Bảo Lộc đều lựa chọn phương án Bảo Lộc nên trở thành đô thị sinh thái. Các loại hình đô thị khác được lựa chọn thấp hơn theo thứ tự là đô thị nông nghiệp, đô thị có chất lượng sống tốt và cuối cùng là đô thị thông minh. Sở dĩ đô thị thông minh là lựa chọn cuối cùng là vì để trở thành đô thị thông minh thì cần nguồn tài chính và nhân lực rất lớn. Theo Tiến sỹ Els Hannest, Khoa Kiến trúc và Nghệ thuật Trường Đại học Hasselt (Bỉ), điều bà không thích khi đến với Bảo Lộc chính là các công trình kiến trúc phát triển dọc theo các tuyến đường làm che lấp cảnh quan thiên nhiên. Đây là điều nên tránh và nên phát triển mở rộng không gian ra bên ngoài nơi có nhiều mảng xanh. Bởi lẽ, Bảo Lộc có cảnh quan tự nhiên rất đẹp, nhất là thác Đam Bri. Bảo Lộc còn có ngành nông nghiệp trồng trà và nghề tơ lụa lâu đời là những thế mạnh cần được tăng cường. “Chính những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên thì Bảo Lộc hoàn toàn có thể trở thành đô thị sinh thái. Vấn đề đặt ra là Bảo Lộc cần bảo tồn và tái tạo các giá trị tự nhiên. Có thể đưa các nguyện vọng khác ngoài đô thị sinh thái vào đồ án quy hoạch để tiến tới mục tiêu đôi bên cùng có lợi. Khi thiết kế các công trình xanh, có thể sử dụng năng lượng mặt trời để đóng góp giá trị thêm cho chất lượng sống. Để có thể làm được điều này thì cần có nghiên cứu cụ thể và chuyên sâu để đưa ra các kịch bản khác nhau cho Bảo Lộc” – Tiến sỹ Els chia sẻ.

Theo tiến sỹ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo), Bảo Lộc vẫn đang giữ được tính thuần nhất và đa dạng về mảng xanh, hệ thống cây xanh. Vì vậy, Bảo Lộc có lợi thế về cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học và nông nghiệp. Do đó, cần tận dụng lợi thế này để phát triển Bảo Lộc. Người dân Bảo Lộc chủ yếu vẫn là nông dân, vì vậy nếu phát triển theo hướng khác thì sẽ gây xáo trộn đến cuộc sống người dân. Chính vì vậy, đô thị sinh thái là phù hợp nhất. Hướng đi này vẫn đạt được yếu tố bền vững vì ít chịu tác động, ảnh hưởng của các yếu tố gây hại: năng lượng hóa thạch, các thành phần hóa học… Khi chọn đô thị sinh thái là hướng chính, các đồ án tiếp theo sẽ đi theo các mục tiêu nhỏ hơn: năng lượng sạch, du lịch… và các yếu tố về quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy, đứng về phía chủ trì chuyên môn của hội thảo, Trường Đại học Tôn Đức Thắng kết luận hướng đi đô thị sinh thái là hướng đi phù hợp nhất cho Bảo Lộc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc cho rằng, mặc dù phát triển chậm hơn các đô thị khác nhưng Bảo Lộc giữ được các hình thái kiến trúc, quy hoạch. TP Bảo Lộc thống nhất lựa chọn đô thị sinh thái để phát triển nhưng cần quan tâm đến các vấn đề như hiện trạng của Bảo Lộc, vùng phụ cận và các đô thị lân cận; giá trị về đất đai và quyền sử dụng đất; các vấn đề KT-XH, kiến trúc, điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu… Trong khoảng 20, 30 năm tới có thể phát triển Bảo Lộc thành đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị đáng sống và người được hưởng đầu tiên là người dân Bảo Lộc. Có như vậy đồ án mới có tính khả thi và thực hiện thành công.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tặng hoa cho các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia hội thảo. Ảnh: Đ.Anh

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: Nếu cần có sự điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch cho phù hợp thì chắc chắn ngành chức năng của tỉnh và Bộ Xây dựng sẽ đồng tình. Phát triển đô thị sinh thái là xu hướng hiện nay trên thế giới. Bảo Lộc có quy mô và diện tích đầy đủ để phát triển điều này trong khi các thành phố khác muốn phát triển thì phải làm nhân tạo. Bảo Lộc có ưu thế về rừng, đa dạng sinh học, nguồn nước tự nhiên và diện tích nông nghiệp của Bảo Lộc là cây công nghiệp dài ngày, ít bị tác động bởi biên độ nhiệt trong quá trình biến đổi khí hậu, môi trường ít bị tổn thương. Chính vì vậy, Sở Xây dựng tham mưu để xây dựng đồ án quy hoạch theo hướng sinh thái. Các thành phố khác có thể phải tốn nhiều kinh phí, nhân lực và thời gian để xây dựng điều này, trong khi Bảo Lộc rất thuận lợi để phát triển. Trong vòng 10 năm tới, người dân có thể được hưởng lợi từ điều này.

Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 30/7/2018)