Ngày 11 tháng 7 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 65-CP về việc chia huyện Bảo Lộc thành thị xã (TX) Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Sau 25 năm xây dựng, phát triển đô thị, ngày nay, thành phố Bảo Lộc – một trong 45 đô thị loại III trong hệ thống 819 đô thị của cả nước – mang diện mạo mới với những bước phát triển, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội khu vực phía Nam của tỉnh Lâm Ðồng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh và cả nước.
Ngược dòng thời gian
Theo Địa chí Lâm Đồng (Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc – Hà Nội, 2001), ngày 19/5/1958, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Nghị định số 170-NV đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, tỉnh lỵ dời từ Djiring xuống B’Lao, ngày 19/2/1959 đổi tên thành Bảo Lộc. Năm 1972, tỉnh Lâm Đồng có diện tích 5.503 km2, dân số 90.157 người, có 2 quận là Bảo Lộc và Di Linh.
Tháng 2/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt (trực thuộc Trung ương) thành tỉnh Lâm Đồng (mới), tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt. Bảo Lộc trở thành 1 huyện.
Ngày 14/3/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 116-CP chia một số huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, theo đó, Bảo Lộc chia thành hai huyện lấy tên là huyện Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai. Huyện Bảo Lộc trước khi chia tách có diện tích 1.772,92 km2, dân số 180.557 người, huyện lỵ là thị trấn B’Lao.
Ðô thị hóa – Ðộng lực và quyết tâm chính trị
Cuối thập niên niên 1980, cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cơ chế kinh tế thị trường mở rộng, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển, hội nhập. Tháng 11/1990, chính quyền huyện Bảo Lộc là đơn vị cấp huyện duy nhất được mời tham dự Hội nghị Khoa học Tây nguyên (Buôn Ma Thuột) và Hội nghị đô thị toàn quốc lần thứ nhất (Hà Nội) đã tạo động lực tiếp cận, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị hóa Bảo Lộc.
Trong một chuyến thăm và làm việc của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với tỉnh Lâm Đồng vào năm 1993, đánh giá tiềm năng của địa phương, cố Thủ tướng đã kết luận, chỉ đạo nhiều vấn đề, trong đó có việc “Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố ngang tầm với các nước xung quanh ta”… Với định hướng của Chính phủ, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; UBND huyện Bảo Lộc cùng với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (Sở Nội vụ hiện nay), các Sở kế hoạch, Xây dựng đã xúc tiến lập Đề án chia huyện Bảo Lộc thành 2 đơn vị hành chính là TX Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, trình UBND, HĐND tỉnh thông qua và trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Cuối tháng 11/1993, Hội nghị Hội đồng Khoa học Kiến trúc và Quy hoạch đô thị Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội để đánh giá, xếp loại đô thị. Đại diện tỉnh Lâm Đồng có các đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Tấn, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lộc Phan Huy Thanh, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Tôn Tích Phu, Chánh Văn phòng UBND huyện Nguyễn Vân Hậu, Trưởng phòng Chính quyền tỉnh Phạm Màn và kiến trúc sư Trần Đức Lộc tham dự. Bảo Lộc chính thức được quyết định công nhận là đô thị loại IV nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam. Sau hội nghị, theo đề nghị của tỉnh, Ban Tổ chức Chính phủ đã lập Tờ trình, trình Chính phủ xem xét chia huyện Bảo Lộc thành 2 đơn vị hành chính cấp huyện.
Ngày 11/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 65-CP về việc chia huyện Bảo Lộc thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Thị xã Bảo Lộc gồm 6 phường, 5 xã, có diện tích tự nhiên 24.740 hécta; dân số 118.346 người.
Thành tựu xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội đô thị
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, kinh tế Bảo Lộc liên tục đạt mức tăng trưởng cao, tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương bình quân trên 10,3%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế đã chuyển dịch theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu tăng gần 18,7 lần, năm 1994 chỉ đạt 14,45 triệu USD, đến năm 2018 đạt 270 triệu USD, chiếm tỷ trọng 42,9% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 39 lần, từ 23,43 tỷ đồng năm 1994, tăng lên 911,4 tỷ đồng năm 2018. Cả 6/6 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,76%, hộ cận nghèo 1,87%. Số hộ khá, giàu tăng lên. Môi trường đầu tư, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Kết cấu hạ tầng đô thị phát triển khá đồng bộ, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, từng bước tiệm cận các tiêu chí đô thị loại II (đạt 41/51 tiêu chí đô thị loại II theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị). Cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh, phường phát triển toàn diện, xây dựng nông thôn mới đã thu hút nguồn lực đầu tư theo định hướng xã hội hóa, tổng đầu tư toàn xã hội ngày càng tăng. Một số công trình đầu tư mới tiêu biểu trên địa bàn như: Khu công nghiệp Lộc Sơn, Cụm công nghiệp Lộc Phát, Bệnh viện 2 Lâm Đồng, Siêu thị Coop Mart, Vincom, Chợ trung tâm thành phố, Trung tâm Văn hóa – Thể thao, Phân hiệu Trường ĐH Tôn Đức Thắng…
Thành tựu 25 năm là sự nỗ lực không ngừng của hơn 16,3 vạn người dân thành phố và của cả hệ thống chính trị, từ một thị xã non trẻ trở thành thành phố năng động và phát triển, thành phố của festival trà – tơ lụa Việt trên cao nguyên – niềm tự hào để Bảo Lộc vươn tới tương lai.
Khát vọng phát triển ngang tầm khu vực
Nhìn lại để tự hào, để lắng nghe, để thấy mình đang ở đâu so với các đô thị trong vùng và trong nước, chưa nói đến vươn tầm so sánh với các nước quanh ta. Dư luận xã hội và ý kiến của các chuyên gia đô thị học trong các cuộc hội thảo gần đây về phát triển Bảo Lộc, cũng như thực tiễn 25 năm qua đều có chung nhận định rằng: Thành phố đang thiếu một “nét riêng có” và mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị hiệu quả; hay nói cách khác, bản sắc đô thị và “chất” của sự tăng trưởng đô thị còn nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn, đột phá để cất cánh. Để đạt được các tiêu chí đô thị loại II, phát triển thành phố ngang tầm khu vực cần có sự phấn đấu rất lớn – không chỉ ở sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và quản trị của chính quyền, đồng thuận của Mặt trận Tổ quốc – mà còn là ý thức và nỗ lực của mỗi người dân sống trong đô thị.
Trong thời kỳ mới, đất nước ngày càng phát triển, hội nhập, đòi hỏi thành phố phải tìm giải pháp giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực, tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường, khuyến khích các sáng kiến, ý tưởng hay về xây dựng và phát triển đô thị, cùng với việc phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân… nhằm xây dựng Bảo Lộc trở thành một đô thị đáng sống.
Nhận rõ trách nhiệm chính trị đó trước Nhân dân, Đảng bộ thành phố đã xây dựng Chương trình hành động số 016-CTr/ThU ngày 27/6/2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 – 2020; Chương trình hành động số 33-CTr/ThU ngày 30/6/2017, về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2025, đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chủ đạo là định hình mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu kết hợp với tăng trưởng theo chiều rộng, nhằm tận dụng năng lực sản xuất và lao động hiện có, tạo sự chuyển biến rõ nét, thể hiện vai trò thúc đẩy kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh.
Với khát vọng và nỗ lực không ngừng nghỉ, tin chắc rằng thành phố Bảo Lộc sẽ đạt được mục tiêu đề ra; biến lời nhắn nhủ, kỳ vọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hơn 25 năm trước về “Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố ngang tầm với các nước xung quanh ta” thành hiện thực trong tương lai gần.
ThS. Nguyễn Vân Hậu (Báo Lâm Đồng, 9/7/2019)