Không được cơ quan chức năng cấp phép, không có hợp đồng cung cấp dịch vụ chuyển viện theo yêu cầu với bệnh viện, nhưng thời gian qua có 2 xe cứu thương vẫn vô tư vào Bệnh viện II Lâm Ðồng nhận bệnh nhân chuyển tuyến. Ðiều đáng nói, 2 xe cứu thương này do một nhân viên điều dưỡng trong Bệnh viện II Lâm Ðồng làm chủ.

Xe cứu thương không phép BS: 86H – 3636 ngang nhiên vào Bệnh viện II Lâm Đồng đưa đón bệnh nhân chuyển viện cấp cứu. Ảnh: H.Đ

Hoạt động không phép

Theo phản ánh, hơn 2 năm qua, tại Bệnh viện II Lâm Đồng thường xuyên xuất hiện 2 xe ô tô cứu thương của tư nhân không được Sở Y tế Lâm Đồng cấp phép để vận chuyển cấp cứu nhưng vẫn “qua mặt” cơ quan chức năng, ngang nhiên ra vào đưa đón bệnh nhân chuyển viện. Sau khi tiếp nhận thông tin, phóng viên Báo Lâm Đồng đã vào cuộc tìm hiểu thực hư sự việc. Qua trao đổi, ông Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng cho biết: “Đến hiện tại, Bệnh viện có tất cả 8 xe cứu thương đủ điều kiện vận chuyển cấp cứu bệnh nhân chuyển tuyến. Trong đó, Bệnh viện có 3 xe cứu thương phục vụ công tác vận chuyển bệnh nhân chuyển tuyến theo chuyên môn, 5 xe cứu thương còn lại là xe hợp đồng của các đơn vị với Bệnh viện, có nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân chuyển tuyến theo yêu cầu, gồm 2 xe của Công ty trà Thiên Hương và 3 xe 115 (thuộc Công ty TNHH Tư vấn – Thiết kế – Xây dựng Vân Thịnh, trụ sở chính tại TP Đà Lạt). Ngoài 8 xe cứu thương này, Bệnh viện không ký kết hợp đồng vận chuyển cấp cứu bệnh nhân với cá nhân, tổ chức nào khác”.

2 xe cứu thương “chui” thường xuyên ra vào Bệnh viện đưa đón bệnh nhân, đó là 2 xe cứu thương mang BS: 51B – 119.04 và 86H – 3636. Sau nhiều ngày theo dõi cho thấy, trung bình mỗi ngày, 2 xe cứu thương này thay nhau vào Bệnh viện II đón bệnh nhân chuyển tuyến từ Bảo Lộc đi TP Hồ Chí Minh 3 – 4 lần. Mỗi lần tiếp nhận bệnh nhân, 2 xe cứu thương này đều ngang nhiên vào tận các khoa trong Bệnh viện. Song không có bất kỳ sự kiểm tra, thắc mắc nào của các đơn vị nghiệp vụ và những người có chức trách trong Bệnh viện. Đặc biệt, kể cả những ngày các xe cứu thương của các đơn vị đã ký kết hợp đồng với Bệnh viện nằm “án binh bất động”, thì 2 xe cứu thương này vẫn liên tục hoạt động.

Liên quan đến những vấn đề nêu trên, chúng tôi đã liên lạc qua số điện thoại 0913.666.940 được gắn trên 2 xe thì có người đàn ông cầm máy. Người này xưng tên Lưu, chủ 2 xe cứu thương BS: 51B – 119.04 và 86H – 3636. Qua xác minh của chúng tôi, người đàn ông xưng tên Lưu chính là ông Trần Đức Lưu (điều dưỡng Khoa Nhiễm, Bệnh viện II Lâm Đồng). Sở dĩ gọi đây là những chiếc xe cứu thương vận chuyển cấp cứu không phép vì cả 2 xe này đều có đèn và còi ụ gắn trên nóc xe; hai bên thành xe in lô gô chữ thập màu đỏ. Thậm chí, cả 2 xe cứu thương này còn đề rõ chữ “Cấp cứu ngoại viện” màu đỏ bên ngoài xe và công khai đầy đủ số điện thoại cá nhân của ông Trần Đức Lưu để người bệnh dễ liên hệ khi có nhu cầu.

Bà Vũ Thanh Hương, Trưởng Phòng Hành chính – Quản trị Bệnh viện II Lâm Đồng xác nhận: “Hiện tại, chúng tôi đã tiếp nhận thông tin 2 xe cứu thương do ông Trần Đức Lưu làm chủ hoạt động vận chuyển bệnh nhân không phép trong Bệnh viện. Tuy nhiên, để làm rõ vấn đề 2 xe cứu thương này có đủ điều kiện hoạt động hay không thì chúng tôi cần có thời gian để xác minh. Còn thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể cung cấp được thông tin gì cho báo chí”.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Lưu và được ông cho biết, 2 xe cứu thương này được ông mua lại ở TP Hồ Chí Minh và Bình Thuận. “Hiện tại, tôi chưa ký hợp đồng cung cấp dịch vụ chuyển viện theo yêu cầu với Bệnh viện II. Đây là 2 xe cứu thương của cá nhân tôi, nên chưa được Sở Y tế cấp phép vận chuyển cấp cứu. Tuy nhiên, xe của tôi cũng chỉ ra vào Bệnh viện đưa đón những bệnh nhân quen biết. Tới đây, tôi sẽ bổ sung giấy phép để đủ điều kiện hoạt động vận chuyển cấp cứu bệnh nhân”.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng đội xe cứu thương 115 (Công ty Vân Thịnh) cho biết: “Công ty chúng tôi ký kết hợp đồng với Bệnh viện II Lâm Đồng để đưa đón bệnh nhân chuyển viện theo yêu cầu. Khi tiếp nhận mỗi ca chuyển viện, chúng tôi phải tuân thủ các điều khoản mà Công ty đã ký kết với Bệnh viện; đồng thời, phải có hợp đồng vận chuyển với bệnh nhân nhằm đảm bảo mọi điều kiện và quyền lợi tốt nhất cho người bệnh. Tất cả các ca chuyển viện mà chúng tôi tiếp nhận đều do Bệnh viện sắp xếp. Ngoài ra, chúng tôi không được phép tự ý hợp đồng với bệnh nhân để chuyển viện”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để “hợp thức hóa” thủ tục chuyển viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã ký cam kết với Bệnh viện để chuyển viện theo hình thức “tự túc”. Trước sự thắc mắc của chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện II đã giới thiệu để chúng tôi gặp ông Phạm Ngọc Thi, Phó Giám đốc Bệnh viện để nắm thêm thông tin. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ qua điện thoại và đặt vấn đề làm việc thì ông Thi từ chối: “Vấn đề này là điều hành chung của Ban lãnh đạo, không phải riêng mình tôi và tôi không liên quan gì. Đây là trường hợp người ta yêu cầu chuyển viện “tự túc”, nên họ muốn điều xe ôm cho đến máy bay là việc của người ta. Chúng tôi không có quyền can thiệp. Vậy đi”. Rồi ông Thi cúp máy.

Trong khi đó, bà Vũ Thanh Hương, Trưởng Phòng Hành chính – Quản trị Bệnh viện II Lâm Đồng cho hay: “Khi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã ký cam kết với Bệnh viện để chuyển viện “tự túc” thì mọi điều khoản ràng buộc giữa bệnh nhân và Bệnh viện không còn hiệu lực. Có nghĩa lúc này, Bệnh viện đã hết trách nhiệm với bệnh nhân. Vì vậy, mọi rủi ro sau này bệnh nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Theo Luật Khám chữa bệnh và Quyết định số 01 ngày 21/1/2008 của Bộ Y tế về qui chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc thì xe cứu thương vận chuyển người bệnh là hoạt động nghề nghiệp có điều kiện. Công ty hoạt động phải có trụ sở, Y, bác sĩ và cán bộ y tế vận chuyển trên xe phải có giấy phép hành nghề. Mỗi xe cứu thương vận chuyển người bệnh phải có một bác sĩ, một điều dưỡng và một lái xe. Tuy nhiên, xe cứu thương của ông Lưu không hề có bác sĩ, điều dưỡng riêng, mà khi tiếp nhận bệnh nhân chuyển viện phải “thuê” bác sĩ, điều dưỡng ngoài giờ ngay trong Bệnh viện II Lâm Đồng. Đó là chưa nói đến các trang thiết bị y tế trên 2 xe cứu thương này có đảm bảo điều kiện, chất lượng quy định của Bộ Y tế hay không; có được kiểm tra, thanh tra thường xuyên theo định kỳ hay không?

Như vậy, việc để cho nhân viên bệnh viện thực hiện vận chuyển bệnh nhân cấp cứu chuyển viện tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị được cấp phép khác đang hoạt động tại bệnh viện cũng có phần trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện II, tạo hình ảnh xấu, làm mất uy tín của Bệnh viện. Điều đáng bàn nữa là việc 2 xe cứu thương này hoạt động đưa đón bệnh nhân chuyển viện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bệnh nhân khi di chuyển trên đường cấp cứu. Việc cần làm lúc này của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng là khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ 2 xe cứu thương này; đồng thời, kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển cấp cứu trên địa bàn để sàng lọc, xử lý nghiêm những xe không phép nhưng lén lút đưa đón bệnh nhân vi phạm qui định của pháp luật.

Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 07/11/2018)