Sáng 22/9, ông Kiều Xuân Việt – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) Lâm Đồng cho biết: Qua theo dõi, nắm bắt thông tin, Đội QLTT số 5 phát hiện tài khoản mạng xã hội có rao bán mặt hàng test nhanh Covid-19 và thuốc giảm đau, hạ sốt. 

Đội QLTT số 5 phối hợp với Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức kiểm tra đột xuất, phát hiện 1 cửa hàng tại TP Đà Lạt có 20 bộ kit test nhanh Covid-19 và 795 viên thuốc giảm đau, hạ sốt không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 5 đã tìm ra cửa hàng kinh doanh của tài khoản mạng xã hội này trên đường Phan Đình Phùng (Đà Lạt) chuyên bán thực phẩm cùng một số hàng hóa khác.

Đội QLTT số 5 đã phối hợp với Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức kiểm tra đột xuất, phát hiện trong cửa hàng có 20 bộ kit test nhanh Covid-19 nhãn hiệu Humasis (Hàn Quốc) và 795 viên thuốc giảm đau hạ sốt hiệu Tylenol Extra Strenght (Mỹ); toàn bộ không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở kinh doanh trình bày số hàng hóa trên mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời nên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ cửa hàng trên về các hành vi bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ cửa hàng trên với số tiền 31 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hóa nhập lậu.

Ngoài vụ việc trên, thời gian gần đây, các đội QLTT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng phát hiện hàng chục cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ; niêm yết giá không đầy đủ, không đúng quy định gây nhầm lẫn cho khách hàng; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Cục QLTT Lâm Đồng đã xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở trên với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng và tịch thu lượng lớn hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, Sở Y tế Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, việc kinh doanh, sử dụng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên môi trường mạng, mạng xã hội và trang thông tin điện tử…

Trong đó nêu rõ: Thời gian qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh việc các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, đăng tin quảng cáo thuốc điều trị được Covid-19 sai sự thật để trục lợi của người dân.

Đặc biệt, hiện nay việc quảng cáo bán các loại test xét nghiệm SARS-CoV-2 trên môi trường mạng xã hội còn tràn lan, đối với mặt hàng này muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo các quy định. Ngoài ra, các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển…

Để chấn chỉnh tình trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ Y tế về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng phối hợp thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng. Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an giải quyết theo thẩm quyền.

An Nhiên (Báo Lâm Đồng, 22/09/2021)

Nguồn: http://baolamdong.vn/phapluat/202109/xu-phat-1-cua-hang-thuc-pham-rao-ban-bo-kit-test-nhanh-covid-19-3080212/