Ngoài thú vui giải trí, người chơi chim săn mồi đang thuần dưỡng rồi trả những loài chim này về môi trường tự nhiên.
Hiện nay, có nhiều câu lạc bộ nuôi và huấn luyện chim săn mồi (còn gọi là falconry) ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, TP HCM… Nơi cao nguyên phù hợp với thú chơi này hơn cả có một câu lạc bộ mang tên Club Di Linh Hawking ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, Lâm Đồng. Câu lạc bộ này quy tụ khoảng 35 thành viên, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều nghề nghiệp khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là các bạn trẻ tuổi cùng một đam mê, sở thích chim… dữ.
Phải huấn luyện ít nhất nửa năm
Từ lâu tôi đã bị mê hoặc bởi hình ảnh yêng hùng của những con đại bàng sải cánh bay lượn tự do trên bầu trời thảo nguyên Mông Cổ mênh mông qua bộ phim nhiều tập về Thành Cát Tư Hãn. Tuy vậy, chỉ khi ở Di Linh xuất hiện trò chơi nuôi và huấn luyện chim săn mồi thì tôi mới được thử cái cảm giác của một falconry. Cảm giác đó có được khi tôi theo chân các thành viên Club Di Linh Hawking đưa chim đi săn tại một khu đất trống với một bên là ruộng lúa và một bên là rừng núi bao la.
“Tu… uýt”, chưa dứt hồi còi hiệu, con đại bàng đã lao như tên bắn rồi bất thình lình tung chân quặp cứng con chuột đồng đang chạy bên dưới, sau đó nhanh chóng bay về đậu trên tay chủ. “Trông thì đơn giản vậy đó. Thế nhưng, thay đổi được tập tính hoang dã của loài chim săn mồi này là cả một vấn đề. Thường thì phải mất ít nhất nửa năm đến vài ba năm huấn luyện chim mới quen và thành thạo kỹ năng săn mồi dưới sự chỉ huy của người nuôi”, anh Nguyễn Đức Tùng, người đầu tiên đưa bộ môn falconry về đất Di Linh và là thành viên sáng lập Club Di Linh Hawking chia sẻ.
Theo anh Tùng, tại một số nước như Mông Cổ, Pakistan, Hàn Quốc…, việc nuôi và huấn luyện chim săn là một môn thể thao truyền thống và bản thân công việc đó được thừa nhận là một nghề chuyên biệt. Ai muốn tham gia huấn luyện chim săn mồi, ngoài việc đăng ký học lý thuyết tại các cơ sở đào tạo cũng như giúp việc cho người có chuyên môn còn bắt buộc phải vượt qua các kỳ thi sát hạch thì mới được cấp bằng chứng nhận huấn luyện viên. Thậm chí ở các nước Trung Đông, người ta còn mở hẳn một bệnh viện và buộc người tham gia huấn luyện phải đem những chú chim săn mồi đến khám hằng tuần. Do có lịch sử phát triển lâu đời cộng thêm những đòi hỏi nghiêm ngặt trong việc nuôi và huấn luyện nên khả năng ứng dụng của chim săn mồi vào đời sống thực tiễn là rất cao. Người ta có thể dùng loài chim này cho việc “bắt” các fly cam chụp ảnh trộm tại các khu căn cứ quân sự để giữ bí mật quốc gia hoặc sử dụng vào việc đuổi những giống chim lạ ở sân bay, hay như bảo vệ đàn gia súc…
Tuy nhiên, ở Việt Nam, trào lưu nuôi và huấn luyện chơi chim săn mồi mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây và cũng chỉ tập trung tại một số tỉnh, thành lớn. Chim săn mồi có nhiều loại: đại bàng, ưng, cắt, cú mèo, ó, diều hâu… Club Di Linh Hawking chỉ nuôi và thuần dưỡng một số loài chim ưng thuộc dòng Ấn Độ như Besrahawk, Shika… ngoại trừ hai con đại bàng nhập khẩu hợp pháp từ nước ngoài (có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ). Hai con đại bàng này, một con giá 200 triệu đồng và một con giá 70 triệu đồng.
Sẽ trả chim về với thiên nhiên
“Một số người cho rằng chơi chim là đang “cầm tù” chúng. Thực ra con đường mà Club Di Linh Hawking đang đi là nuôi, huấn luyện để qua đó bảo tồn loài chim săn mồi sẵn có ở địa phương”, anh Nguyễn Ngọc Thăng Long, thành viên Club Di Linh Hawking, tâm sự.
Theo anh Long, Club Di Linh Hawking ra đời không chỉ mang tính chất đơn thuần là giải trí, mà tất cả anh em trong câu lạc bộ mong muốn cùng mọi người chung tay cứu hộ những con chim bị săn bắt bằng cách mua hoặc xin từ các thợ săn (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa) rồi đem về nuôi nấng chu đáo, huấn luyện thành thục các kỹ năng săn mồi, sau đó thả chúng về với môi trường tự nhiên.
Anh Trần Thanh Tuấn, một thành viên khác của Club Di Linh Hawking, nói về kinh nghiệm huấn luyện chim săn mồi: “Nếu là chim mới bẫy được, chúng ta cần tập cho chim quen dần với sự có mặt của con người. Bước tiếp theo là cho chim đậu và ăn trên găng tay. Sau đó chim được tập bài bay qua tay ăn mồi theo hiệu lệnh còi. Ngoài ra, chim còn phải trải qua giai đoạn săn mồi bằng mồi giả rồi mồi thật. Khi chim đã thành thục các kỹ năng thì thả tự do cho chim bay lượn săn mồi ngoài tự nhiên”.
“Một điều quan trọng nữa, người chơi phải cho chim tiếp xúc với nhiều môi trường, địa hình khác nhau để chim tập tính dạn dĩ. Trong quá trình tập không thể thiếu những phụ kiện đi kèm như găng tay da ba lớp, dây buộc chân, chụp móng vuốt, mồi giả, cân điện tử, thiết bị định vị, còi… Giá mỗi món đồ kể trên dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Dũng, thành viên Club Di Linh Hawking nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Dũng mong muốn: “Thông qua việc cứu hộ rồi thuần dưỡng những dòng chim săn mồi sẵn có ở địa phương Di Linh, chúng tôi hy vọng mọi người hiểu thêm về loài chim này. Trên thực tế, việc thuần dưỡng rồi trả những loài chim này về môi trường tự nhiên của Club Di Linh Hawking đang góp phần bảo tồn loài chim săn mồi ở địa phương”.
N.ÐỒNG (Báo Lâm Đồng, 05/01/2016)