Hai người dân trên địa bàn huyện Đơn Dương bị các đối tượng dụ dỗ tham gia mua bán hàng trên mạng và bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia làm cộng tác viên bán hàng trực tuyến để tránh bị lừa đảo

Ngày 3/3, Công an huyện Đơn Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện nổi lên tình trạng nhiều người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới hàng trăm triệu vì nhận làm cộng tác viên bán hàng online trên không gian mạng.

Với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, trong thời gian gần đây, đã có một số người dân ở huyện Đơn Dương bị lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn như trường hợp của chị N.N.T.P (29 tuổi, ngụ thị trấn Thạnh Mỹ). Chị P. đã bị các đối tượng dụ dỗ tham gia mua bán hàng trên mạng và bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 400 triệu đồng vào tháng 9/2021. Trường hợp thứ hai là chị H.L.T (34 tuổi, ngụ thị trấn Thạnh Mỹ) bị lừa đảo chiếm đoạt 646 triệu đồng vào giữa tháng 2/2022.

Công an huyện Đơn Dương cho biết, thủ đoạn của các đối tượng đó là mạo danh nhân viên của sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… rồi đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên. Sau khi trao đổi, các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 – 10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và “hoa hồng”). Do thấy có thể nhận được “tiền hoa hồng” khá cao mà lại đơn giản, nhanh chóng nên đã có nhiều người bị lừa.

Ban đầu, để tạo lòng tin, các đối tượng sẽ cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki… của một sản phẩm khoảng 1 – 2 triệu đồng và tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp để nạn nhân chuyển khoản số tiền tương ứng với giá trị của sản phẩm đó trên hệ thống. Ngay sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận bao gồm cả tiền gốc và tiền “hoa hồng”.

Khi nạn nhân tiếp tục chuyển thêm số tiền đến vài chục triệu thì những kẻ lừa đảo sẽ không chuyển khoản ngược lại nữa mà đưa ra nhiều lý do khác nhau như: Quá trình chuyển tiền bị lỗi, yêu cầu nạn nhân chuyển lại thì mới nhận được “hoa hồng”; hoặc nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển thêm tiền để hoàn thành 100 điểm…. Nhiều người do nhẹ dạ cả tin đã tiếp tục chuyển tiền và bị lừa số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.

Qua các vụ việc đã xảy ra nói trên, cơ quan công an Đơn Dương khuyến cáo bà con nhân dân trên địa bàn cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh để đối tượng lừa đảo lợi dụng, tuyệt đối không nên tham gia đầu tư, mua bán trên mạng hoặc chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa.

C. Phong (Báo Lâm Đồng, 3/3/2022)

Nguồn: http://baolamdong.vn/phapluat/202203/don-duong-bi-lua-hon-1-ty-dong-do-tham-gia-mua-ban-hang-tren-mang-3105468/