Khoảng 3 tháng gần đây, dân làng trong thôn Chơ Ré, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bỗng xôn xao câu chuyện về một ngôi nhà sàn kiểu người Tày rôm rả đón khách du lịch đến thăm. Chủ nhân ngôi nhà sàn homestay ấy là Hà Thúy Diện, cô gái 8X đã bỏ bao cơ hội rộng mở ở Sài Gòn về quê khởi nghiệp.
LTS: Từ Sài Gòn, tôi bắt chuyến xe lên homestay nhà Diện từ 11 giờ trưa. Khi lên xe, chỉ có mình tôi cùng anh tài xế. Trên quãng đường hơn 250km biết bao lượt hành khách lên rồi xuống cho đến khi tôi chỉ còn một mình trên xe, anh tài xế vẫn bảo “Đường còn xa lắm, xa lắm, xe về bến đi thêm khoảng 30km nữa mới đến nơi”. Đúng 8 giờ tối, chiếc xe limouse thả tôi xuống một ngôi nhà cổng phủ đầy lá cây, nằm trong thôn Chơ Ré, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng. Suy nghĩ đầu tiên bật ra trong đầu tôi khi ấy “Lý do nào khiến cô gái Hà Thúy Diện can đảm bỏ Sài Gòn về vùng quê hẻo lánh này để làm du lịch?”.
“Cuộc sống ngắn ngủi lắm, làm gì thấy vui thì mình làm ngay”
Cách đây một năm, bố mình bị tai biến nặng phải nhập viện. Nhìn thấy bố nằm hôn mê mình sợ lắm, ngày hôm qua bố vẫn còn nói chuyện, chạy chỗ này chỗ kia, tự dưng hôm nay nằm yên một chỗ và không nhúc nhích gì cả. Cảm xúc lúc đấy trong mình là làm sao thì làm, bây giờ chỉ muốn bố tỉnh dậy thôi.
Rồi bố được mổ, được cứu sống nhưng liệt nửa người. Mình xin nghỉ việc ở nhà chăm sóc bố. Vào bệnh viện mình chứng kiến nhiều cảnh, ví dụ bệnh nhân bị tai biến, như bố mình chẳng hạn, bị liệt nửa người bên phải, bị ảnh hưởng não, ảnh hưởng đến việc nói, vận động bên phải, không đi lại được, vệ sinh các thứ đều ở trên giường hết. Việc chăm sóc rất vất vả và cần rất nhiều tình yêu. Đã có nhiều người chết không phải vì căn bệnh mà là vì lở loét, chính vì người chăm sóc không cẩn thận, không tỉ mỉ với người bệnh. Mình nhận ra tình người, tình yêu vợ chồng, tình cảm gia đình quan trọng thế nào với một bệnh nhân trong quá trình giúp họ hồi phục.
Một năm ở nhà chăm sóc bố mình cũng nhận ra điều gì là quan trọng với cuộc sống của mình.
Mình tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, ngành Kinh tế đối ngoại. Ra trường mình đi làm rất nhiều ngành khác nhau trong nhiều lĩnh vực: chăm sóc khách hàng, kinh doanh, marketing. Mình có may mắn được đi nhiều nơi trên thế giới như Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka. Hầu hết những nơi mình đến đều là vùng quê, mình có cơ hội trải nghiệm cuộc sống homestay của người dân các nước. Đi nhiều nơi, làm nhiều việc, mình nhận ra mình thích làm công việc chăm sóc khách hàng. Mình muốn mở ra một dịch vụ gì đấy gần với tính cách của mình, mình thích cuộc sống thanh bình ở chốn làng quê nhưng vẫn có thể giao tiếp với nhiều bạn bè.
Rồi khi gia đình xảy ra biến cố, cả ba anh em mình đều ở Sài Gòn, mẹ cũng lên thành phố chăm sóc bố, cả nhà dự tính bán nhà đi. Mẹ mình đau lòng lắm. Cách đây khoảng 20 năm, bố mẹ mình vào Đức Trọng mưu sinh bằng nghề dạy học. Khi nghỉ hưu, ông bà cùng nhau gầy dựng nên mảnh đất này khi ấy toàn rừng cây là cây. Từ những nhát cuốc đầu tiên, bố mẹ xây nhà, trồng cà phê, trồng hoa màu, nuôi bò heo gà vịt để gửi tiền cho ba con ăn học ở Sài Gòn. Bố mẹ đã dồn hết mọi công sức, mọi tình yêu thương vào ngôi nhà sàn này, ngôi nhà mơ ước của bố mình.
Chứng kiến cảnh mẹ đau lòng khi cứ đắn đo không muốn bán ngôi nhà này, mình chợt nảy sinh ý nghĩ sao không làm homestay ở đây. Bấy lâu nay khi mời bạn bè về nhà mình chơi, ai cũng thích vì nơi này cảnh sắc núi non rất đẹp, không khí lại yên bình, hay mình cứ thử mở homestay. Biết đâu mình có thể giúp mẹ giữ lại được ngôi nhà, vài năm nữa nếu mẹ muốn về thì ngôi nhà vẫn ở đó, trong thời gian ấy mọi người sẽ biết nhiều hơn về cái vùng khỉ ho cò gáy này.
“Trải nghiệm cuộc sống homestay: sáng leo núi, chiều ăn khoai, tối ngắm sao trời”
Ban đầu mở homestay mình cũng lo lắm, lo không biết có ai chịu đến vùng đất xa xôi, hẻo lánh này không. Thế rồi từ những người khách đầu tiên là bạn bè mình, rồi khách đến, khách đến nữa, giờ đây mỗi tuần nhà mình đón trung bình 30 lượt khách, mình thở phào nhẹ nhõm, khởi đầu như vậy là tốt rồi.
Homestay nhà mình nằm gần Tà Năng – Phan Dũng, một cung đường trekking (*) rất đẹp đang thu hút sự chú ý của các “phượt thủ” hai năm gần đây. Với những ai không đủ sức khỏe để đi trekking nhưng muốn ngắm cảnh đẹp, trải nghiệm cuộc sống ở chốn làng quê, họ chọn đến nhà sàn của mình. Đến đây, họ có thể đi hái cà phê, trồng rau, câu cá, đọc sách, nấu ăn ngay trong bếp như ở nhà mình. Gần nhà mình có hai ngọn núi, từ núi Ông có thể nhìn thấy Bình Thuận, còn núi Chây Dzưi thì giáp với tỉnh Ninh Thuận, ngoài ra còn có nhiều ngọn đồi nhỏ gần nhà, từ đó mọi người có thể ngắm đồi thông, nương rẫy, trâu bò, núi non. Buổi tối, mình thường cùng khách nướng thịt, nướng khoai, nướng mía bằng bếp củi, ăn xong thì trải chiếu dưới đất, đắp chăn rồi ngắm sao trời tỉ tê tâm sự đến khuya.
Ban đầu mình chỉ mở homestay để phục vụ bạn bè, mọi người lên chơi rồi góp ý mình cần cải thiện dịch vụ như thế nào. Khách đến đây ai cũng dễ thương hết, họ giúp mình thêm cái bàn, cái ghế, đẽo đọt mắc võng cho chắc chắn, sửa góc này góc kia. Ai ngờ các bạn nước ngoài vô tình biết được rồi họ cũng tìm đến đây. Đầu tiên là một anh bạn người Đức tên là Thomas đang đi du lịch vòng quanh châu Á, biết đến homestay nhà mình buổi trưa thì buổi chiều đã chạy xe máy từ Đà Lạt xuống. “Trời ơi, tớ đi nhiều nơi nhưng chưa thấy cái nhà sàn nào lạ và bình yên như chỗ này hết”, anh chàng cảm thán. Thomas nói cũng đúng, nhà sàn của mình là ngôi nhà gỗ theo kiểu người Tày Hà Giang nhưng bố mình đã sửa đổi một chút. Thay vì mái cọ, mái lá, bố lợp mái tôn để hợp với khí hậu thời tiết ở Đức Trọng. Nhà không quá rộng như nhà sàn ở ngoài Bắc và thay vì ngôi nhà chỉ có một gian trải dài từ phòng khách đến bếp thì bố mình tách biệt gian bếp thành một khu riêng. Hồi xưa nhà cũng có nuôi gà vịt dưới sàn nhưng từ khi mở homestay mình dẹp hết để đảm bảo vệ sinh cho khách.
Hôm ấy mình nấu thịt ngan, gỏi đu đủ và rau rừng cho bạn ăn, anh chàng khen nức nở, nhưng hôm sau thì Thomas phải bay đi Philippines rồi. Bạn bảo “Thật tiếc khi ngày cuối cùng ở Việt Nam mới biết Sàn, hẹn sang năm nhất định tớ sẽ quay lại Sàn”.
Mehdi là một anh chàng người Úc đã lưu lại sàn nhà mình hơn nửa tháng rồi. Mehdi sống ở Sydney, đang làm giám đốc trong một công ty về điện, nhưng bạn cảm thấy không hài lòng với cuộc sống của mình vì nó cứ đều đều và không có gì bứt phá cả. Mehdi quyết định nghỉ việc một năm để đi du lịch. Mehdi đã Bali ba tháng và làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh ở đó, có vẻ bạn rất yêu Bali nên suốt ngày cứ nghe kể về Bali thôi. Bạn đến Việt Nam một tuần, khi đến Mũi Né thì gặp anh bạn người Đan Mạch cũng đang đi du lịch trên một chuyến xe buýt. Khi nghe kể về fanpage sàn nhà mình, Mehdi thấy thú vị quá liền lên đây chơi. Sau 4 ngày ở sàn, Mehdi lên Đà Lạt nhưng vẫn thấy nhớ nhà mình quá nên quay lại và ở đây đến giờ hơn 10 ngày rồi mà chưa có dấu hiệu muốn về. Medhi cũng dễ thương lắm, bạn giúp mình sửa điện, dọn dẹp nhà kho, sửa linh tinh, thấy cái gì làm được thì làm. Những ngày ở đây Medhi đọc sách, nấu ăn rồi đi thăm thú vườn tược, thăm trường mầm non và tụi mình đang bàn nhau mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em trong làng.
Hầu hết mọi người đến đây đều có chung cảm nhận là thích không khí, đồ ăn, cảnh quê bình dị, không giống như đến một khu du lịch mà ai cũng có cảm giác như được về một nhà người bạn, nhà bà con vậy. Mình thấy đó có thể là điểm hay của homestay nhà mình. Mình chưa tổ chức được mọi thứ chuyên nghiệp nhưng mình đón tiếp tất cả mọi người bằng sự chân thành và có lẽ mọi người thích điều đó. Nhiều người đã quay lại sàn và dẫn thêm nhiều bạn khác. Họ giúp mình có niềm tin vào những gì mình đang làm.
“Tại sao cứ phải dồn về phố, cơ hội có ở khắp nơi mà”
Homestay mình mở ra chưa có thu nhập nhiều nhưng bà con chòm xóm xung quanh lại được hưởng lợi. Mình thường thuê người chở khách đến các điểm du lịch, thuê một số bạn địa phương dẫn đường cho khách đi núi, xem nương rẫy hay đặt mua gà, mua đậu ở nhà hàng xóm để phục vụ ăn uống.
Người dân ở đây chủ yếu trồng cà phê và hoa màu nhưng cuộc sống nghề nông bấp bênh nên phần lớn thời gian họ đi làm công thêm ở ngoài và đi chở gỗ. Mỗi chuyến chở gỗ sẽ được trả từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Có bạn kể với mình rằng bạn từng đi lạc hai ba ngày trong rừng, không ăn không uống, đói đến ngất xỉu ngay bìa rừng, may có người đi ngang cứu về không thì cũng chết rồi. Vào rừng chở gỗ rất nguy hiểm, ai cũng thích ở nhà làm nông hơn đi rừng nhưng tiền ít quá, họ đành phải đi. Thế nên khi lần đầu tiếp xúc với người lạ, lần đầu trở thành “hướng dẫn viên du lịch” dẫn khách thăm thú khắp nơi, các bạn dân tộc địa phương ở đây vui lắm.
Những dịch vụ này có thể chưa đem lại thu nhập tốt nhưng nếu có thể phát triển du lịch ở đây thì người dân sẽ tiếp xúc với nhiều người hơn, họ sẽ có một cách nhìn mới, họ sẽ thấy có nhiều cách khác để sống thay vì chỉ làm nông và chở gỗ. Mình ấp ủ ước mơ sau này nguyên khu này sẽ trở thành một cộng đồng du lịch, không chỉ nhà mình mà những nhà hàng xóm cũng có thể mở homestay, mở quán cà phê, nhà hàng để phục vụ du khách tứ phương.
Dự án gần nhất mình sắp làm là mở khóa học tiếng Anh cho trẻ con trong làng. Trước đây bà con chòm xóm có nghe nói anh em tụi mình nói tiếng Anh tốt nhưng từ khi mở homestay họ mới tận mắt chứng kiến cảnh mình trò chuyện với người nước ngoài. Họ thích lắm và muốn con của họ cũng giao tiếp được bằng tiếng Anh nên cứ hỏi mình khi nào thì mở lớp. Từ thời học cấp ba mình đã mơ làm cô giáo mầm non tiểu học nhưng bố mẹ vì sợ mình vất vả nên khuyên mình học kinh tế. Rốt cuộc thì mình cũng quay trở lại, có lẽ mình sắp thực hiện được ước mơ ấp ủ từ lâu.
Mình rời Sài Gòn một năm rồi, nhiều bạn bè hỏi mình vì sao bỏ phố thị phồn hoa với bao cơ hội rộng mở để về vùng quê xa xôi này, có thấy tiếc không. Mình nghĩ khác, tại sao mọi người cứ dồn về phố trong khi cơ hội ở khắp mọi nơi, điều quan trọng là mình thích gì và lựa chọn điều gì. Mình đã đi nhiều nơi và mình biết mình thích hợp ở nơi nào. Từ ngày bố bệnh, mình nhận ra cuộc sống này ngắn ngủi lắm, chúng ta không biết trước điều gì trong tương lai cả. Tại sao cứ níu kéo, bám víu một điều gì đấy ở xa xôi trong khi có thể tự tạo ra được niềm vui ngay xung quanh mình.
Theo Lê Minh (Trí Thức Trẻ)