Sau tuyến bài phản ánh mới đây của Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam về một số vụ việc có liên quan đến ngành giáo dục TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), Ban Biên tập đã nhận được phản hồi tích cực và động thái mang tính cầu thị của cơ quan chức năng địa phương.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Trần Việt, Trưởng Phòng Nội vụ, kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng TP. Bảo Lộc, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, mới đây, Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố đã tổ chức họp bình xét và đi đến thống nhất đề nghị Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” năm học 2017-2018 cho bà Phạm Thị Hiền, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi.

Hơn một năm trời, sau “năm lần bảy lượt” xét duyệt, cuối cùng UBND TP. Bảo Lộc cũng đã ban hành quyết định công nhận danh hiệu thi đua cho giáo viên Phạm Thị Hiền (Ảnh: VH)

Căn cứ vào kết quả bình xét thi đua này và theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ, UBND TP. Bảo Lộc đã ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND, công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” năm học 2017-2018 cho giáo viên Phạm Thị Hiền. Ngoài quyết định còn có giấy khen và tiền thưởng được trích từ Quỹ khen thưởng của đơn vị, theo quy định của Điều 69 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Trinh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (nơi cô Phạm Thị Hiền đang công tác), xác nhận, đã nhận được Quyết định và Giấy khen của UBND TP. Bảo Lộc tặng cho cô Hiền.

“Danh hiệu thi đua này là của năm học 2017-2018, nhưng do một số lý do nên đến nay cô Hiền mới được nhận. Do đó, trong vài ngày tới, nhân dịp Nhà trường tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đầu năm học 2019-2020, Ban Giám hiệu sẽ công bố và trao quyết định khen thưởng cho cô Hiền để tập thể Nhà trường cùng biết và chia sẻ cùng cô giáo”, Hiệu trưởng Trinh cho biết thêm.

Giấy khen tặng danh hiệu Lao động tiên tiến của cô giáo Hiền (Ảnh: VH)

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh trong bài viết: “Giáo viên không được Danh hiệu Tiên tiến vì dám nói to với ngành giáo dục”, trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, ngày 16/5/2018, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đã lập danh sách gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bảo Lộc, để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” năm học 2017-2018 cho 49 cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường, trong đó có cô Phạm Thị Hiền.

Đến đầu năm học 2018-2019, trong khi các đồng nghiệp được đón nhận danh hiệu thi đua khen thưởng của năm học 2017-2018, thì cô giáo này mới ngỡ ngàng biết mình đã bị cắt danh hiệu “Lao động tiên tiến” mà không biết lý do vì sao. Do đó, cô giáo này đã phải phản ánh đến Ban Giám hiệu Nhà trường và ngành chức năng địa phương để được làm rõ.

Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, nơi cô Hiền đang công tác (Ảnh: VH)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Nguyễn Văn Triệu, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tiến hành kiểm tra, rà soát và thấy rằng, sau khi tiếp nhận danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua năm học 2017-2018 từ các trường gửi lên, ngày 17/7/2018, Hội đồng thi đua khen thưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bảo Lộc đã tiến hành họp xét.

Trong Biên bản cuộc họp này, Hội đồng thi đua khen thưởng của Phòng đã đưa cô giáo Phạm Thị Hiền ra khỏi danh sách đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố công nhận “Lao động tiên tiến”, nhưng không nêu lý do.

Không những thế, theo biên bản cuộc họp thì hội nghị không thể hiện ý kiến của các thành viên dự họp, không biểu quyết thông qua, nhưng bà Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bảo Lộc, vẫn ký vào biên bản và không đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho cô giáo Phạm Thị Hiền.

Giải trình về việc này, bà Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, việc không kiến nghị cấp trên công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho cô Hiền là vì cô này đã có những hành vi ứng xử, lời nói không chuẩn mực trong các buổi tiếp dân tại phòng tiếp dân của UBND TP. Bảo Lộc(?)

Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bảo Lộc nơi bà Phạm Thị Thanh Hương đang làm Trưởng Phòng (Ảnh: VH)

Tuy nhiên, theo UBKT Thành ủy Bảo Lộc, việc bà Hương viện dẫn các lý do trên để không công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến” cho cô giáo Phạm Thị Hiền là không đúng quy định.

Bởi vì: “Qua thẩm tra, xác minh cho thấy, cô Hiền đã đến phòng tiếp dân của thành phố là để được biết kết quả giải quyết đơn tố cáo của cô, trong lúc bức xúc, cô Hiền đã có những lời nói to, không tế nhị với công chức tiếp dân”.

“Việc đồng chí Phạm Thị Thanh Hương không đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cho cô giáo Phạm Thị Hiền là trái với quy định tại Khoản 1, Điều 24 Luật thi đua khen thưởng sửa đổi năm 2013”, Thông báo Kết luận số 21-TB/UBKT ngày 08/8/2019, của UBKT Thành ủy Bảo Lộc khẳng định.

Phóng viên báo Doanh nghiệp Việt Nam làm việc trực tiếp với các cơ quan ban ngành của Thành ủy, UBND TP. Bảo Lộc (Ảnh: VH)

Từ đơn thư phản ánh của giáo viên Phạm Thị Hiền và một số bạn đọc khác, trong đó có những cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục TP. Bảo Lộc, phóng viên đã tiếp cận hồ sơ, làm việc trực tiếp với các cá nhân, đơn vị liên quan để thu thập thông tin, chứng cứ, lắng nghe tiếng nói đa chiều…

Sau khi Doanh nghiệp Việt Nam có tuyến bài phản ánh một cách khách quan, trên tinh thần xây dựng, với mong muốn ngành chức năng địa phương sớm tháo gỡ, giải quyết các sự vụ một cách “thấu tình đạt lý”, tránh “cái sảy nảy cái ung”, Ban Biên tập đã nhận được phản hồi tích cực và động thái mang tính cầu thị của cơ quan chức năng TP. Bảo Lộc.

Viên Hữu (Báo Doanh Nghiệp Việt Nam, 01/10/2019)