Thống kê mới nhất của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Lâm Ðồng, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh số người nghiện có hồ sơ là 2.079 người, tăng 241 người so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó là các vụ khám phá các đối tượng phạm các tội về ma túy chưa có dấu hiệu giảm mạnh. Số người nghiện ma túy ngoài xã hội 1.751 người. Trong đó, đáng báo động là tình hình mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp và cần sa trong lứa tuổi thanh, thiếu niên ngày một gia tăng, đáng lo ngại.

Thanh niên đang “đập đá” tại nhà tại địa bàn thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Ảnh: C.T cắp từ clip

Bắt đầu từ “bu”, shisha

Qua nhiều lần hẹn gặp, chúng tôi được T. (biệt danh T. “còi”, ngụ TP Bảo Lộc), chấp nhận dẫn đi một số điểm có “trẻ trâu” (tiếng lóng dùng để gọi dân chơi mới tập tành hút ma túy), thường tụ tập hút “bu”, còn gọi là cần sa hay bồ đà.

29 tuổi, là dân chơi “đá” sành sỏi, T. “còi” cho biết mình không còn “nghiền” ma túy nửa năm nay nhưng thi thoảng vẫn phải tìm tới một vài địa chỉ hút “bu” để giải khuây. Tối ngày 23/6, T. đưa chúng tôi tới một quán cà phê về đêm có mở nhạc sàn trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc. Tại đây đã có vài người bạn của T. còn khá trẻ đang ngồi hút thuốc và uống cà phê đợi sẵn.

Ngồi một lúc thì N., người trong nhóm móc ra một bao thuốc, bên trong chứa nhiều “bu” để một số thanh niên thay nhau hút. “Bọn mày yên tâm đi, chỗ này quán quen, mình chơi không ai để ý đâu” – H., bạn thân của N. nói trấn an một thanh niên lần đầu tới quán cà phê trên rồi lanh lẹ đem “đồ nghề” là chai nước vừa uống hết, dùng đầu thuốc hút dở châm lủng một lỗ tròn rồi chế làm đồ hút, chuyền tay nhau hút xoay vòng. “Nếu cẩn thận hơn nữa thì mấy đứa có thể nhồi “hàng” vào thuốc lá với liều lượng “bu” 30, thuốc lá 70% thì dùng thoải mái không sợ ai để ý” – H. nói.

Lâng lâng trong khói “bu” có mùi khét nhẹ, thanh niên này cho hay nhóm của mình gồm gần chục người, chủ yếu tầm 20 tới 30 tuổi. Thông thường vào dịp cuối tuần, cả bọn sẽ vào bar, các quán cà phê hạng sang làm một “chầu bu”. Còn nếu thiếu tiền thì ngay tại bìa rừng thông, cuối sân bóng nhân tạo, quảng trường, công viên cũng là địa điểm có thể tụ tập cho cuộc vui của cả nhóm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người nghiện ma túy như T. “còi” và H. ban đầu đều sử dụng các loại ma túy hạng nhẹ như: bồ đà, nhẹ hơn nữa là shisha, bóng cười, lá khát (các loại chất kích thích hạng nhẹ) được bán trong một số quán bar trên địa bàn.

“Khi đã quen với các chất kích thích tạo ảo giác một thời gian chẳng mấy ai không tăng dần liều lượng và chuyển qua dùng “cỏ Mỹ”, mạnh hơn nữa là ma túy đá, heroin. Ban đầu chơi nhẹ, sau dần tăng cấp độ lúc nào không hay” – H. nhận định và cho biết, hiện nay tại TP Bảo Lộc và một số huyện lân cận còn nhiều thanh niên dùng “bu” và tới với “đá” bằng suy nghĩ khi dùng sẽ không gây nghiện như heroin.

“Chơi chuyên nghiệp”

Để chứng minh thế giới của những thanh niên trẻ ham chơi không chỉ có “bu”, shisha, theo chân V., một thanh niên chuyên chơi “đá” khác tại huyện Di Linh chúng tôi khám phá ra nhiều điểm “đập đá” của một số bạn trẻ. Một chiều cuối tuần, sau chầu nhậu nhẹ ven Quốc lộ 20, đoạn qua thị trấn Di Linh, V. móc điện thoại ra gọi. Ít phút sau hai xe máy phóng tới, trên xe là 2 cặp nam nữ cũng đã ngà ngà mùi bia rượu. Cả bọn bắt đầu chạy tới đường Hai Bà Trưng và chui vào một phòng khách sạn quen.

Một bạn trẻ nữ đang dùng hàng “đá” cùng nhóm bạn tại một phòng khách sạn trên địa bàn TP Bảo Lộc. Ảnh: C.T cắt từ clip

Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến họ, 5 thanh niên tuổi đôi mươi ngồi xung quanh thành một vòng tròn trên giường, hết người này đến lượt người kia chuyền tay nhau hút “bu”. V. nói dùng “bu” chỉ để khởi động, được nửa giờ, nhóm chuyển sang dùng hàng “đá”. V. lúc này tỏ ra thuần thục lấy dao đục nắp chai nước để đút ống nhựa vào, rồi cẩn thận bỏ “đá” vào “nỏ” (một ống thủy tinh hình tròn). Một thanh niên tên N. thèm đá liền dùng quẹt hơ vào ống thủy tinh chứa ma túy để hơi nóng bốc lên ống, sau đó hít sạch rồi châm lửa “khò” cho người tiếp theo. Cứ như vậy, 5 bạn trẻ, trong đó có hai người nữ còn rất trẻ tiếp tục chuyền tay nhau hút đá trong khói thuốc nhàn nhạt bay khắp phòng.

Lâng lâng trong cơn khói đá, N. kể rằng khi “ngấm” đá thì đầu óc sẽ ảo giác, cảm nhận rất thích thú. “Khó diễn tả lắm anh ơi, cảm giác như đi sâu vào lòng người, đôi khi mình nói và làm gì cũng không hay biết gì” – N. nói trong khi hai thanh niên khác nằm ôm gối, đôi mắt mơ màng vừa hí hoáy chơi game trên điện thoại lại lấy điều khiển tivi, cứ bật hết kênh này tới kênh khác như người vô thức.

Theo V., nhiều người anh biết họ dùng “thuốc lắc”, heroin và một số loại ma túy khác nhưng khoảng 5 năm trở lại đây hàng “đá” rất được ưa chuộng, đặc biệt là một bộ phận người trẻ vì họ là giới thích chứng tỏ sự sành điệu, muốn khoe “đẳng cấp” ăn chơi.

Trong khi đó, các nhóm chơi đá “chuyên nghiệp” thường là con em gia đình khá giả nhưng hầu hết lại không có công việc ổn định. Khi thiếu tiền mua ma túy, họ có xu hướng rủ các thanh niên khác có điều kiện vào nhóm chơi cùng để có cơ hội tụ tập thường xuyên. Quá trình thâm nhập, chúng tôi ghi nhận nhiều bạn trẻ vẫn cho rằng chơi ma túy “đá” chỉ gây hưng phấn tức thời nhằm giải trí cho vui, chứ hoàn toàn không gây nghiện. Thế nhưng, theo V., thực tế ngược lại, mặc dù âm thầm, không vật vã như heroin nhưng ma túy “đá” gây nghiện dai dẳng, khó bỏ và sức tàn phá ghê gớm.

Thân tàn vì “đá”

Trong số nhiều thanh niên chơi ma túy đá trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đặc biệt để ý tới Q. (22 tuổi), một trong số ít bạn trẻ nữ sa chân vào còn đường hút sách. Trong một lần cùng nhóm thanh niên từ xã Tân Hà ra hút “bu” tại nhà một “chiến hữu” ở thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà) chúng tôi được gặp Q. khi cô gái trẻ này đã có “thâm niên” 2 năm dùng loại ma túy chết người này.

Vóc dáng đậm người, cao 1m60, lần đầu gặp không ai biết được Q. phải bỏ học tại một trường ĐH hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh chỉ vì sa chân vào hàng “đá”. Trong khói thuốc đê mê của “bu” cùng hai thanh niên khác, Q. kể chỉ vì chơi đá mà giờ phải sống vất vưởng, bệnh tật và không nghề nghiệp ổn định. Hơn hai năm trước, do buồn chuyện gia đình có ngày Q. chơi liên tục nhiều “cữ” nên có biểu hiện “say đá”. Những lúc như vậy Q. không còn biết mình là ai, sẵn sàng làm việc trong đầu nghĩ ra. “Có lần em bị ảo giác nặng vì hút nhiều. Dưới da tay ngứa như có sâu dòi ăn, phải tự cầm dao tự rạch tay nhưng không cảm thấy đau đớn” – Q. kể và vạch cánh tay trái cả chục vết thẹo cho cả nhóm bạn cùng xem.

Thời điểm phát hiện Q. bị nghiện “đá” nặng, gia đình ngay lập tức làm đơn xin cho con nghỉ học tạm thời rồi âm thầm đưa Q. vào Trung tâm cai nghiện ma túy Thanh Đa tại TP Hồ Chí Minh điều trị. “Nhà em gần như tan nát vì em mấy năm nay. Vậy mà giờ em cũng chưa thể dứt bỏ được “đá”. Lúc lên cơn thèm “đá” quá thì em buộc dùng “cỏ” cho đỡ nghiền” – Q. trải lòng.

Những ngày đi tìm hiểu về thế giới những người trẻ “đập đá”, chúng tôi còn biết tới trường hợp của V. tại huyện Bảo Lâm, vì hút đá mà phải nghỉ học, giờ trở thành người “không bình thường”. Cả ngày V. nói lảm nhảm những chuyện không ai hiểu được. Khi gặp người lạ mặt V. biểu hiện lầm lì, mắt gườm gườm như muốn xô xát với người đối diện, ngay cả bạn bè thân quen cũng ngại tiếp xúc. Người thân của V. cho biết, mới học hết lớp 11 do học yếu nên gia đình chấp nhận cho con nghỉ học. Buồn thay, V. nghỉ học được nửa năm gia đình mới biết con mình nghiện ma túy đá. “Có lần say ma túy, V. về cầm cây rượt đánh cả anh chị trong nhà. Chúng tôi phải cho con đi cai nghiện được 2 năm tại Trung tâm 05 – 06 tại huyện Đức Trọng. Giờ cháu đỡ rồi nhưng thần kinh không bình thường như trước nữa” – người thân của V. chia sẻ và không giấu được nỗi thất vọng trong câu nói.

(CÒN NỮA)

Chính Thành (Báo Lâm Đồng, 29/6/2018)