Hình ảnh người dân chạy xe máy, chăn thả gia súc (trâu, bò…) trên tuyến đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt đã không còn là chuyện lạ đối với các phương tiện thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này. Vấn đề quản lý dân sinh hai bên đường cao tốc và giải quyết các hệ lụy phát sinh vẫn là câu chuyện “đau đầu”, đang là bài toán chưa có lời giải của cả nhà đầu tư và nhà quản lý.

Người dân đi xe máy rẽ đường cắt ngang, ngược chiều gây mất an toàn giao thông trên đường cao tốc.
Người dân đi xe máy rẽ đường cắt ngang, ngược chiều gây mất an toàn giao thông trên đường cao tốc.

Dự án đường cao tốc Liên Khương – chân đèo Prenn dài khoảng 19,2 km, trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Đức Trọng (qua các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp và Liên Nghĩa) dài khoảng 18,2 km với tổng vốn đầu tư trên 1.310 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ năm 2003 và đưa vào khai thác từ năm 2008, do nhà đầu tư Công ty TNHH Hùng Phát (trước kia là Công ty TNHH MTV 7/5) trực tiếp khai thác, thời gian thu phí từ tháng 9/2008 đến tháng 4/2031.

Là một trong những dự án đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam, từ khi đi vào hoạt động, đường cao tốc này đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế Lâm Đồng, đồng thời là tuyến giao thông huyết mạch, rút ngắn khoảng cách từ Sân bay Liên Khương đến Đà Lạt.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, vài năm trở lại đây xuất hiện một số vấn đề trên tuyến đường cao tốc này, gây khó khăn cho công tác quản lý và vấn đề an toàn giao thông, đó là tình trạng người dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp hai bên đường cao tốc ngày càng gia tăng.

Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, trên đoạn đường này đã xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết, 21 người bị thương… Nguyên nhân chủ yếu có liên quan đến đường cắt ngang do người dân tự phá mở, đi xe máy vào đường cao tốc. Trong khi đây là đoạn đường cấm xe máy đi vào ở cả 2 chiều.

Theo kiểm tra mới nhất tại đoạn đường cao tốc Liên Khương – Prenn, ngành chức năng đã phát hiện được 82 vị trí rào chắn bằng lưới B40 để bảo vệ hành lang an toàn giao thông bị phá, 52 vị trí đấu nối trái phép đường nhánh vào đường cao tốc, 96 công trình đất ở của người dân xây dựng trái phép. Bà Huỳnh Thị Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, theo báo cáo của UBND huyện Đức Trọng về công tác quản lý đất đai, trật tự dân cư và hành lang an toàn đường cao tốc, trong quá trình đầu tư đường cao tốc thì toàn bộ phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ của dự án đã bố trí hệ thống rào chắn lưới B40 để chống xâm hại công trình đường cao tốc. Ngoài ra, bố trí tôn hộ lan bảo vệ an toàn giao thông, đường cống dân sinh phục vụ qua lại hai bên đường cao tốc. Về diện tích đất, đất dọc đường cao tốc thuộc địa bàn xã Hiệp An (diện tích đất ở nông thôn là 4,6 ha, đất nông nghiệp 238,6 ha), xã Hiệp Thạnh (đất ở không có, đất nông nghiệp 3,8 ha). Về công trình xây dựng, phía bên trái đường cao tốc qua xã Hiệp An hiện có 260 công trình, xã Hiệp Thạnh có 13 công trình, xã Liên Hiệp 11 công trình và thị trấn Liên Nghĩa 13 công trình, hiện đang được phân loại, phân kỳ để xử lý theo quy định.

Thực tế, tình trạng các hộ dân làm nhà sống 2 bên đường cao tốc ngày càng tăng, nhiều hộ dân được giao đất, cho thuê đất dọc hai bên đường cao tốc nhưng sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất, san ủi mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép… Qua kiểm tra từ tháng 8/2013 đến nay, UBND huyện Đức Trọng đã xử lý 9 trường hợp vi phạm.

Người dân sống và sản xuất dọc tuyến đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. Ảnh: Quý SG
Người dân sống và sản xuất dọc tuyến đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt. Ảnh: Quý SG

Ông Hồ Đắc Tú – Phó Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát cho biết: Nhà đầu tư thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng để quản lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Tuy nhiên, việc lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đấu nối các đường nhánh vào đường cao tốc, việc xây dựng trái phép, san ủi mặt bằng vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, tình trạng người dân phá hành lang để tạo lối đi, cắt, nhổ cây xanh, tháo cắp thiết bị chiếu sáng vẫn còn tồn tại. Riêng vấn đề các nhà dân vào đây làm nhà sinh sống, sản xuất và buộc phải ra vào đường cao tốc bằng xe máy, chăn thả gia súc bên đường… nhà đầu tư đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn không xử lý được.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng đã nghiên cứu thực hiện dự án Xây dựng hệ thống đường gom dân sinh trên đoạn đường này. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới được đầu tư 2 đoạn đường gom và tạm dừng vì thiếu vốn. Cụ thể, mới chỉ có 2 đoạn đường gom dân sinh dọc theo tuyến đường cao tốc Liên Khương – chân đèo Prenn được đầu tư là đoạn từ Km 203+600 đến Km 207 và đoạn từ Km 219 – Km 220; còn đoạn từ Km 207 – Km 219 chưa được đầu tư đường gom mà chỉ dừng lại ở việc đầu tư 3 vị trí cống dân sinh nhưng chưa kết nối với mạng lưới giao thông Quốc lộ 20. Việc đầu tư chưa đồng bộ này đã ảnh hưởng đến việc quản lý, khai thác của đường cao tốc cũng như nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân hai bên đường cao tốc.

Sau khi cùng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng giám sát thực tế đoạn đường cao tốc Liên Khương – chân đèo Prenn, ông Nguyễn Văn Triệu – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có ý kiến: Để giải quyết triệt để vấn đề này, trước mắt nhà đầu tư cần tiến hành che chắn lại các đoạn bị phá, dỡ bỏ, phục hồi các hạng mục xuống cấp để đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Về lâu dài, Nhà nước cần phải tính toán lại để giải tỏa các hộ dân hai bên đường cao tốc cũng như là việc nhanh chóng xây dựng đường gom để đảo bảo an toàn cho người dân sinh sống hai bên đường.

Giải pháp sớm đầu tư hoàn chỉnh đường gom dân sinh dọc hai bên đường cao tốc Liên Khương – Prenn và đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo sự kết nối giữa đường cao tốc với Quốc lộ 20 là mong mỏi của người dân, nhà đầu tư và các cấp trực tiếp quản lý tuyến đường này. Tuy nhiên, vẫn cần hơn nữa các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, phối hợp giữa các lực lượng chức năng và địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là ý thức của người dân địa phương dọc hai bên đường cao tốc. Bởi việc không đảm bảo hành lang an toàn giao thông cũng như thiếu ý thức khi tham gia giao thông sẽ làm cho nguy cơ tai nạn giao thông trên đoàn đường này luôn “rình rập”.

Dự án đầu tư đường gom cao tốc Liên Khương – Prenn đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định 2733/QĐ-UBND ngày 9/12/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, dự kiến vốn đầu tư giai đoạn 2017-2029 là 25 tỷ đồng.

Diễm Thương (Báo Lâm Đồng, 12/4/2017)