Giá heo hơi giảm kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Nhiều trang trại chăn nuôi đang cố gắng cầm cự trong tình trạng “lỗ vẫn phải nuôi” vì đàn heo nái sinh sản không thể bỏ. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc lòng phải “đóng chuồng” vì không đủ kinh phí để tiếp tục duy trì đàn.

Dù thua lỗ nhưng nhiều cơ sở chăn nuôi heo vẫn buộc phải duy trì đàn. Ảnh: Đông Anh
Dù thua lỗ nhưng nhiều cơ sở chăn nuôi heo vẫn buộc phải duy trì đàn. Ảnh: Đông Anh

Lỗ vẫn phải nuôi

Xã Lộc An là một trong những địa phương có số hộ chăn nuôi heo tập trung đông nhất của huyện Bảo Lâm. Từ Tết Nguyên đán trở lại đây, người chăn nuôi trên địa bàn xã bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn khi giá heo hơi được thương lái mua tại chuồng liên tục giảm.

So với thời điểm cao nhất, thương lái thu mua tại chuồng từ 48 đến 50 ngàn đồng, thì nay giá giảm khoảng một nửa, còn 24 đến 26 ngàn đồng/kg.

Ngay cả các hộ Tổ chăn nuôi VietGahp ở thôn 9, xã Lộc An, cũng không thoát khỏi tình trạng bị ép giá dù sản phẩm chăn nuôi của họ là sản phẩm sạch. Theo bà Lưu Thị Minh Tâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác, đến nay đã có 2 trong tổng số 16 hộ của tổ hợp tác đã phải đóng chuồng vì không thể “trụ” nổi. Trong khi đó, các hộ còn lại vẫn tiếp tục duy trì đàn nhưng với giá cả hiện giờ, mức thua lỗ ngày càng cao. Vào lúc cao điểm, tổng đàn heo của Tổ hợp tác khoảng 1.800 con; trong đó, có 300 con heo nái sinh sản, nay còn khoảng 1.000 con. Bà Tâm cho biết: Dù mang danh là sản xuất heo sạch theo VietGahp nhưng khi gặp khó khăn chung, các tổ viên chưa hề được hỗ trợ tiêu thụ cũng như các nguồn vốn để ổn định sản xuất. Và chỉ biết vận động tổ viên cố gắng duy trì tổng đàn ở mức 1.000 con, tránh tình trạng đóng cửa chuồng có thể gây hậu quả nặng hơn về lâu dài.

Anh Trần Văn Kiên, thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi VietGahp thôn 9, vừa chốt giá bán 40 con heo thịt đã đến kỳ xuất chuồng với giá 26.000 đồng/kg. Với giá này, dự kiến anh lỗ khoảng 30 triệu đồng, bình quân mỗi con lỗ khoảng 800 ngàn đồng. Anh Kiên cho biết: “Hiện tại trong chuồng còn duy trì đàn heo nái hậu bị 16 con nên bình quân mỗi lứa vẫn có hơn 100 con heo giống để nuôi thịt. Do đó, việc nuôi heo thịt cứ buộc lòng phải tiếp tục trong khi nguồn vốn để mua thức ăn đến nay đã cạn kiệt. Bình quân mỗi con heo nuôi đến khi bán thịt cần phải đầu tư 3 triệu đồng thức ăn, chưa kể chi phí về thú y. Sắp đến, tôi vẫn chưa biết lấy tiền từ đâu để xoay vòng cám cho heo ăn. Vì vậy, điều mà những người chăn nuôi mong muốn nhất hiện nay là có nguồn vốn hỗ trợ để tiếp tục duy trì đàn”. Chị Phạm Thị Thắm, thành viên Tổ hợp tác, có kinh nghiệm chăn nuôi heo gần 20 năm nay nhưng chưa khi nào chị phải lỗ nặng như thời điểm hiện tại. Sắp tới, chị xuất bán khoảng 35 con heo thịt nhưng vẫn chưa biết giá cả như thế nào dù thương lái vẫn đến thu mua nhưng giá cực rẻ. Nếu giá cả như thế này tiếp tục kéo dài thì chúng tôi sẽ hụt vốn, không thể tiếp tục chăn nuôi” – chị Thắm chia sẻ.

Giá thấp, thương lái còn ép người chăn nuôi khi không thu mua hoặc thu mua với giá rẻ hơn nhiều đối với những con heo có trọng lượng trên 100 kg. Hiện, người dân đang tự xoay xở bằng cách giảm giá trị đầu tư, hãm mức tăng trọng để “cầm cự” kéo dài thời gian xuất chuồng để đợi giá lên.

Đã được cảnh báo

Theo thống kê của Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, tổng đàn heo trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện tại là 42.000 con. Trong đó, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là 17.000 con, còn lại là các trang trại. So với những năm trước, tổng đàn heo trên địa bàn tăng cao do người dân tăng đàn heo ồ ạt, phá vỡ quy quy hoạch chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Trong khi đó, tính đến thời điểm tháng 4, tổng đàn heo trên địa bàn TP Bảo Lộc khoảng 70.000 con. Trong đó, các trang trại chiếm khoảng 35% tổng đàn, còn lại là ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo ông Tạ Công Triêm, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Bảo Lộc, giá heo xuống thấp đã được ngành chức năng dự báo cả năm trước đây do mức độ tăng đàn cực nhanh. Thế nhưng, người dân cứ thấy giá cao thì ồ ạt nuôi. Dù Bảo Lộc không có tình trạng tăng đàn đột biến nhưng do ảnh hưởng chung của cả nước nên cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Trong quý I, Trung tâm đã đóng dấu kiểm dịch để làm thủ tục xuất bán hơn 8.200 con heo ra khỏi địa bàn. So với cùng kỳ năm trước thì số lượng xuất bán này giảm hơn 1.300 con.

Có một thực tế là nhiều năm trở lại đây, do heo được xuất bán theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc nên giá cả khá cao. Hiện, phía Trung Quốc ngừng thu mua nên “dội hàng” dẫn đến tình trạng giá cả xuống thấp. Trong khi đó, tình hình mua bán lại chịu sự chi phối rất lớn của tư thương. Vai trò của các hiệp hội, tổ hợp tác chưa thể hiện trong việc điều phối giá cả. Điều này đã dẫn đến tình trạng tranh bán, khiến giá thấp càng thấp. Bên cạnh đó, từ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Bảo Lộc, Bảo Lâm hầu hết đều không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đều chỉ giao dịch mua bán bằng những hợp đồng miệng, thông qua các đầu nậu. Do đó, giá cả bấp bênh, nguồn tiêu thụ không ổn định là điều tất yếu sẽ xảy ra. Giải quyết được “bài toán” này thì mới mong ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 21/4/2017)