UBND tỉnh Lâm Đồng vừa khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua hàng tích trữ, tỉnh đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm cần thiết trong cao điểm dịch. Vì khi tập trung đông người cùng lúc để mua sắm hàng hóa sẽ gây nên sự ùn tắc, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.

Các mặt hàng nhu thiết yếu đã sớm được lên kế hoạch, kịch bản ứng phó trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, bảo đảm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng của người dân.

Tại Cửa hàng tiện ích Dreams Mart, TP Đà Lạt, tới chiều tối 17/7, các mặt hàng vẫn liên tục được bổ sung dồi dào cho người dân

Bình tĩnh là chống dịch

Ghi nhận tại TP Đà Lạt, chiều 17/7, các chợ truyền thống và siêu thị tại TP Đà Lạt lượng người đi chợ, mua sắm hàng hóa đông đúc hơn ngày thường. Nhiều tiểu thương tại chợ Đà Lạt cho biết, sức mua các thực phẩm cơ bản có tăng nhưng không đáng kể, phần lớn người dân tập trung mua thịt, trứng, mì gói, đồ khô, các loại rau củ để được dài ngày.

Bà N.T.T.L (Phường 1, TP Đà Lạt) cho biết: “Tuy không nằm trong các tỉnh giãn cách theo Chỉ thị 16, nhưng tâm lý người dân chúng tôi khi TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nâng mức phòng chống dịch lên cao thì nhiều người cũng muốn mua đồ nhiều hơn ngày thường để hạn chế ra ngoài hơn, thay vì mỗi ngày đi chợ 2 lần thì bây giờ mua 1 lần thôi”. Hay như chị N.T.L (Phường 4, TP Đà Lạt) cũng chia sẻ, nhà có 4 người; trong đó, có 1 trẻ em, những ngày qua, thông tin về dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến chị lo lắng về việc lây lan. Gia đình chị quyết định mua nhiều loại thực phẩm như gạo, nước uống, một số loại gia vị, thịt, cá đóng hộp, rau quả… để dùng trong một thời gian ngắn nhằm tránh di chuyển ra nơi công cộng, đông người.

Theo ghi nhận, những cửa hàng thực phẩm tươi sống, siêu thị nằm trong khu dân cư đông đúc có diễn ra tình trạng mua sắm nhiều nhưng hầu như không quá tải. Hàng hóa vẫn được tiểu thương đưa hàng lên kệ tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị và tăng cường nhân viên để bảo đảm sản phẩm phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Tại các chợ truyền thống, ghi nhận công tác chống dịch đang được thực hiện rất nghiêm túc. Tại chợ Ánh Sáng (Phường 1, TP Đà Lạt) chiều 17/7, người dân được hướng dẫn xếp hàng để mua sắm, cách xa 2 m, các lực lượng túc trực nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và không tập trung cùng lúc quá đông vào chợ.

Lâm Đồng không nằm trong danh sách giãn cách xã hội theo công văn hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/7/2021. UBND tỉnh đề nghị người dân Lâm Đồng bình tĩnh, không nên hoang mang, không nên tụ tập đông người mua lương thực, nhu yếu phẩm về tích trữ. Hạn chế ra đường khi không cần thiết. Tập trung đông người sẽ làm lây lan dịch bệnh.

Các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu đã được tỉnh sớm lên kế hoạch đảm bảo phục vụ cho người dân

Đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu

Sở Công thương Lâm Đồng cũng đã có văn bản chỉ đạo cho các đơn vị phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ những mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra mất cân đối cung cầu. Sở cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức tốt hoạt động kinh doanh xuyên suốt, liên tục; có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa kịp thời để phục vụ Nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá. Sẵn sàng phối hợp với Sở Công thương điều tiết nguồn hàng, tổ chức cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn, khu vực cách ly khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt khi có xảy ra trên diện rộng. Thực hiện chế độ báo cáo khi có yêu cầu về tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa tại các điểm bán hàng của doanh nghiệp.

Thực hiện theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực bảo đảm “mục tiêu kép”, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, bảo đảm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng của người dân. Trên địa bàn tỉnh, tùy tình hình mà việc phục vụ có thể điều chỉnh nhưng hoạt động cung ứng hàng hóa luôn được bảo đảm vì doanh nghiệp kinh doanh phân phối và bán lẻ có dự trữ trước. Vì vậy, người dân không cần thiết dữ trữ thực phẩm trong thời gian dài, chỉ nên mua đủ dùng thời gian ngắn. Người dân không nên có tâm lý lo lắng, tích trữ thực phẩm và bất chấp nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan đổ xô đi mua sắm nơi đông người.

Trước đó, để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi có yêu cầu phản ánh về tình hình thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lâm Đồng cũng đã thông báo các số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ, phản ánh kịp thời các thông tin liên quan đến giá cả hàng hóa thị trường, chống hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại… trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công thương đề nghị các cơ quan chức năng ở địa phương theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả mặt hàng thiết yếu. Khi có diễn biến bất thường nhanh chóng thông tin về Sở Công thương để phối can thiệp kịp thời. Đồng thời, ở các khu vực cách ly hiện nay, địa phương cần theo dõi nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân trong vùng cách ly, chủ động phối hợp các đơn vị thực hiện cung ứng hàng hóa phù hợp và cung ứng hàng hóa vào khu cách ly theo đúng quy định về phòng dịch. Sở Công thương sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Diễm Thương (Báo Lâm Đồng, 18/7/2021)

Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/lam-dong-hang-hoa-khong-thieu-nguoi-dan-khong-can-tich-tru-3067627/