Nhiều nông dân mua phân bón trả chậm nhưng bị tính lãi suất “cắt cổ”, dẫn đến mất đất sản xuất. Nhưng khi lấy đất, chủ nợ vẫn không quên “chừa lại” một ít nợ, và món nợ này lại tiếp tục sinh sôi…
Tín dụng đen biến tướng
Đến thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), hỏi về tín dụng đen, các hộ dân đều ngao ngán bởi nó đã làm nhiều gia đình rơi vào vòng luẩn quẩn, nghèo càng nghèo thêm. Nhiều người phải mất đất, mất nhà vì những biến tướng của tín dụng đen như hỗ trợ phân bón, lương thực thực phẩm…
Năm 2012, gia đình bà Lơ Mu Ha Phương mua thiếu 300 bao phân dê của bà M., với giá 25.000 đồng/bao, chỉ vài tháng sau, số nợ đã lên đến 60 triệu đồng. Năm 2014, bà M. buộc bà Phương gán 4.000m2 đất để trừ nợ, sau đó viết giấy tay bán cho người khác.
Sau khi xiết đất, bà M. thông báo với bà Phương số nợ còn lại là 28 triệu đồng, với mức lãi suất “khủng” 50.000 đồng/triệu/tháng. Gia đình bà Phương đến nay đã không còn đất để canh tác, chỉ biết làm thuê cho các công ty sản xuất rau trong xã để trang trải cuộc sống.
Cũng như bà Phương, năm 2001, gia đình ông Liêng Hót K’Brơn được ông T.H.M. đầu tư 700 bao phân dê với nhiều lời đường mật như “cà phê mà bón phân dê thì gì tốt bằng”, “cứ bỏ nhiều vào mới tốt được, cuối năm mới có cái mà thu”.
Sau 2 năm, cà phê tốt đâu không thấy mà nhà ông K’Brơn phải gán cho ông M. 3.000m2 đất để trừ nợ. Tin tưởng chủ nợ, cho rằng gán đất là xong nhưng đến năm 2016 K’Brơn lại bị ông M. xiết thêm 1.000m2 đất ngay sau ngôi nhà của mình. Chưa dừng lại ở đó, chủ nợ cho biết K’Brơn vẫn còn nợ 20 triệu đồng và muốn mở một con đường từ vườn ra đường. Nếu như vậy thì K’Brơn phải phá bỏ phòng khách của căn nhà mà khó khăn lắm mới xây dựng được. Không thuyết phục được nên ông M. đã ra về và chỉ bốn tháng sau, số nợ đã tăng lên 100 triệu đồng.
Ông Kơ Sa K’Guynh – Phó trưởng Công an xã Lát cho biết, hiện xã có 17 hộ dân vay vốn của các đối tượng trên địa bàn và đã có danh sách thống kê các hộ nợ bao nhiêu, mục đích vay để theo dõi. Nhưng Công an xã chỉ nắm tình hình và báo lên cấp trên. Các gia đình này đa số đều là những hộ nghèo, không có điều kiện, thiếu hiểu biết nên bị các chủ nợ lợi dụng.
Khó xử lý dứt điểm
Ông Trần Đình Thể – Phó Chủ tịch UBND xã Lát cho biết: “Thực ra, bà con vay mượn bằng hình thức trên thì cơ quan chức năng cũng như công an không có gì để xác định là cho vay nặng lãi, nếu xác định được thì công an sẽ triển khai điều tra và xử lý ngay. Đa số các chủ nợ và con nợ đều giao dịch bằng miệng, không hề có giấy tờ gì để xác định là vay lãi suất cao. Cách làm chủ động nhất của xã là tuyên truyền vận động bà con không nên vay như vậy nữa, mà nên tìm đến Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội để vay vốn với nhiều ưu đãi”.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Triều – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, đã nắm được danh sách một số người cho vay theo tính chất nặng lãi và đã giao cho Công an huyện theo dõi, xử lý. “Về mặt pháp lý, chính quyền sẽ hỗ trợ, hướng dẫn người dân khởi kiện dân sự đối với các đối tượng cho vay. Bên cạnh đó, tuyên truyền, đề nghị khoanh nợ để giữ đất cho người nghèo, không để tín dụng đen lộng hành trên địa bàn”, ông Triều cho hay.
Thượng tá Phan Tất Chí – Phó trưởng Công an TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) – cho biết, tín dụng đen là cho vay với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng, thủ tục đơn giản, đôi khi không cần điều kiện đảm bảo. Ví dụ như vay 70 triệu đồng, sau 3 tháng cả gốc và lãi tăng lên 100 triệu đồng thì 2 bên làm giấy vay nợ 100 triệu đồng chứ không ghi tỉ lệ lãi suất. Vì vậy, để xử lý những đối tượng này là rất khó.
Bà Trần Thị Mai Phương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, sở đã yêu cầu các nhà mạng di động khóa cả hai chiều 28 thuê bao di động có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay không cần thế chấp trên địa bàn TP.Đà Lạt. Đây là những thuê bao được các đối tượng thường xuyên sử dụng để phục vụ hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Văn Long (Báo Dân Việt, 2/7/2018)