Gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xuất hiện nhiều nạn nhân của các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Số tiền nạn nhân bị chiếm đoạt từ vài chục triệu, có trường hợp lên đến trên 600 triệu đồng.
Theo ghi nhận gần đây nhất, ông T.Q.T (ngụ Phường 8, TP Đà Lạt), bị một tài khoản Facebook xưng là nữ, đang sinh sống ở nước ngoài kết bạn với ngụ ý muốn làm quen với mình. Sau một thời gian ngắn nhắn tin nói chuyện qua lại, khi biết ông T. đã có niềm tin, đối tượng nói sẽ gửi về Việt Nam cho ông này một món quà là vật dụng có giá trị cao, một khoản lớn tiền mặt và chụp hình gửi cho ông T. “kiện hàng” giống như một két sắt. Trên “kiện hàng” này ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại người nhận là ông T.
Sau đó vài ngày, giọng một người phụ nữ xưng là nhân viên kho vận, gọi điện cho ông T. xác nhận thông tin về việc ông có nguồn hàng gửi từ nước ngoài về, đồng thời yêu cầu ông T. nộp phí để hoàn tất thủ tục nhận hàng. Vì kiểm tra thông tin thấy zalo đề là “Kho vận KV miền Nam”, ông T. đã tin tưởng, nhiều lần chuyển vào số tài khoản do bọn lừa đảo cung cấp với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, ông T. không còn cách nào liên lạc được với nhóm lừa đảo này nữa.
Tương tự, anh P.Q.H, ngụ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, cuối năm 2021, được một tài khoản Facebook kết bạn làm quen. Người này xưng là “chú”, đang sinh sống ở Úc. Sau một thời gian nhắn tin qua lại, ân cần hỏi han, người “chú” này nói, dù mới quen biết nhưng rất có thiện cảm và niềm tin với gia đình anh H., đồng thời ngỏ ý muốn nhờ anh H. giữ giúp 150 triệu đồng, khi về Việt Nam sẽ tới nhận lại. Tuy nhiên, ngày hôm sau, người “chú” này liền nhờ anh H. chuyển vào số tài khoản của người tên Hoàng Anh Dũng với số tiền 190 triệu đồng với lý do “bạn chú đang tiến hành mổ van tin, đang cần tiền gấp, mà chú thì chuyển tiền từ nước ngoài về chưa kịp, vài ngày nữa, vợ chồng cháu mới nhận được tiền chú chuyển về”. Tin lời “chú”, vợ chồng anh H. đã chuyển 190 triệu đồng vào số tài khoản của bọn lừa đảo. Với hình thức lừa đảo này, các đối tượng thường đánh vào niềm tin và lòng tham của nạn nhân. Vì tin tưởng vào “kiện hàng” là tiền mặt và vật dụng do bọn lừa đảo vẽ ra lớn hơn rất nhiều lần số tiền phải chuyển để làm các “thủ tục thông quan” nên nhiều người đã sập bẫy của chúng.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng, thủ đoạn phổ biến nhất mà các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường hay sử dụng là tạo tài khoản Facebook cá nhân, tự xưng là những người có công việc sang trọng như phi công, bác sĩ, luật sư… đang sinh sống ở nước ngoài, kết bạn, nhắn tin làm quen với những người đang còn độc thân. Qua nhắn tin trò chuyện một thời gian, khi đã chiếm được niềm tin của người bị hại, các đối tượng lừa đảo liền “tung chiêu” tặng quà, tiền hoặc gửi tiền, vật dụng có giá trị cao về Việt Nam nhờ nạn nhân quản lý giúp, sau khi về nước sẽ tới nhận, để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chiêu thức lừa đảo phổ biến khác là lập website giả mạo, giao diện giống của Facebook rồi dẫn dụ mọi người đăng nhập vào website này để đánh cắp mật khẩu. Sau khi kiểm soát được Facebook của một cá nhân nào đó, các đối tượng thường dành thời gian nghiên cứu kỹ về lịch sử, nội dung trò chuyện với bạn bè, người thân, nói mình đang cần một khoản tiền để mua nhà, mua xe, hoặc giải quyết việc cấp bách cần tiền gấp… để vay mượn tiền. Một thủ đoạn lừa đảo nữa, tuy đã rất cũ nhưng đến nay nhiều người vẫn trở thành nạn nhân, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho bọn lừa đảo cung cấp. Đó là người dùng bị kẻ xấu đánh cắp tài khoản Facebook, nhắn tin cho người quen để vay mượn tiền. Với hình thức này, các đối tượng lừa đảo thường hack Facebook của người khác bằng cách dò mật khẩu (sử dụng tool, trình duyệt có sẵn để thực hiện).
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Lâm Đồng nhận định thủ đoạn của các đối tượng là đánh vào tâm lý của người dân trước các vấn đề liên quan đến an toàn sức khỏe, hay thông tin cá nhân thì phản ứng mang tính tự nhiên của một số người khiến họ vô tình rơi vào bẫy của chúng.
Người dân cần hết sức cảnh giác trước các loại hình cho vay qua mạng không rõ ràng, không phải của các tổ chức uy tín, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân khi truy cập Internet, trên mạng xã hội, xác minh thông tin cụ thể trước khi thực hiện các giao dịch, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn, xử lý khi có vụ việc xảy ra. Thời gian qua, lực lượng phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng đã tích cực tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh lạc vào “ma trận” mánh khóe, chiêu trò của những kẻ lừa đảo. Đồng thời, lực lượng Công an tỉnh cũng đã tăng cường nắm tình hình, kịp thời giải quyết nhiều tin báo, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao.
C. Phong (Báo Lâm Đồng, 12/1/2022)
Nguồn: http://baolamdong.vn/phapluat/202201/nhieu-nan-nhan-bi-lua-dao-tren-khong-gian-mang-3098470/