Ít nhất hàng chục cây thông ba lá thuộc rừng nội ô Đà Lạt đã và đang chết đứng vì ai đó “đầu độc” bằng thuốc độc, cạnh đó hàng loạt cây khác bị cưa hạ vẫn đang bỏ nằm ngổn ngang ở hiện trường…

Ngổn ngang thông nội ô Đà Lạt bị đốn hạ

Vụ tàn phá rừng nội ô này xảy ra tại lô b, khoảnh 2, tiểu khu 157, thuộc đối tượng rừng nội ô Đà Lạt (khoảnh rừng nằm phía sau khu du lịch Dinh 3, thuộc địa bàn P4, TP Đà Lạt).

Ghi nhận hiện trường vào sáng 28/11, tại khoảnh rừng trên, hàng loạt cây thông ba lá hàng chục năm tuổi, với đường kính gốc từ 20 đến 60 cm, cao từ 8 đến 14 m đã bị cưa hạ vẫn còn nguyên tại hiện trường. Cách đó không xa, nhiều cây thông khác đã bị ken gốc và “đầu độc” bằng thuốc độc đang có biểu hiện vàng lá, chết đứng…

Cùng ngày, cũng tại khu vực này, hai máy múc đang hoạt động hết công suất để sang gạt đất lâm nghiệp, lấy đất phân lô bán nền. Nhưng khi vừa phát hiện lực lượng chức năng thì các chủ xe đã điều khiển phương tiện cơ giới rời khỏi hiện trường, chạy trốn.

Liên quan tới vụ việc, có mặt tại hiện trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đà Lạt Võ Thanh Sơn, cho biết: Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đã chỉ đạo cơ quan liên quan tổ chức mật phục vào ban đêm, ngoài giờ hành chính để bắt quả tang đối tượng. Cũng theo ông Sơn, tình trạng chặt phá rừng thông nội ô tại khu vực phường 4 (TP Đà Lạt) cần phải sớm ngăn chặn kịp thời, triệt để không để xảy ra điểm nóng. Đồng thời đã đề nghị Công an TP Đà Lạt vào cuộc xác minh, điều tra các đối tượng phá rừng có liên quan.

Trước đó, qua tuần tra Ban lâm nghiệp phường 4 và cán bộ Ban quản lý rừng Lâm Viên (đơn vị chủ rừng) cũng đã phát hiện tại khu vực trên có nhiều cây thông bị cưa hạ. Ngay sau đó, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xác minh đối tượng Đỗ Văn Lợi (ngụ tổ 10, P4, TP Đà Lạt) có liên quan. Tuy nhiên, khi Hạt Kiểm lâm Đà Lạt mời ông Lợi lên để xác minh, làm rõ thì ông Lợi không đến và không thông báo lý do.

Trong khi đó, theo báo cáo của kiểm lâm địa bàn và người dân sinh sống trong khu vực thì các đối tượng chặt phá rừng lấy đất để bán với giá khoảng 150 triệu đồng/lô 100 m2.

Nhiều cây thông bị cưa hạ vẫn còn bỏ ở hiện trường

Thông bị cưa hạ có đường kính gốc từ 20 – 60cm
Hàng loạt thông đang chết đứng vì bị “đầu độc” bằng thuốc độc

Một chiếc máy múc đang san gạt đất rừng tại tiểu khu 157
Cách đó vài thêm một chiếc máy múc cũng đang hoạt động hết công suất để san gạt đất lâm nghiệp

Thụy Trang (Báo Lâm Đồng, 28/11/2017)