Để đảm bảo khoảng cách các trạm thu phí không nhỏ hơn 70km theo quy định, Bộ GTVT quyết định thu hồi quyền thu phí trạm BOT Bảo Lộc (Lâm Đồng) trên QL20.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra những vấn đề còn tồn tại cần khắc phục trong dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo QL20 (Km 123+105 đến Km 268) dài 124km đi qua tỉnh Lâm Đồng.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng. Trong đó, đoạn từ Km123 đến Km154 thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT có mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, đoạn từ Km154 đến Km268 theo hình thức hợp đồng BT đầu tư hơn 2.700 tỷ.
Liên danh nhà đầu tư là tổng công ty 319, công ty Thái Sơn và công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh.
Mua lại trạm Bảo Lộc mới có dự án BOT QL20
Theo kết luận 1428 ngày 7/6/2017 của TTCP, trong tổng mức đầu tư dự án có hạng mục mua quyền thu phí trạm Bảo Lộc (Lâm Đồng) 254,9 tỷ đồng không thuộc danh mục quy định trong cơ cấu tổng mức đầu tư. Do vậy, Bộ GTVT cần xác định điều chỉnh cho phù hợp với phương án tài chính của dự án.
Về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Anh – Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, dự án thành phần 1 đầu tư theo hình thức BOT (Km123-Km268) cần có trạm thu phí để hoàn vốn, nhưng đã có trạm thu phí Bảo Lộc ở gần dự án hiện đang thu phí cho dự án khác.
Nếu tiếp tục bố trí trạm thì sẽ không đảm bảo cư ly 70km nên Bộ GTVT ra quyết định thu hồi quyền thu phí trạm Bảo Lộc để đặt trạm thu phí cho dự án BOT (Km123-Km268).
Thời điểm đó, Bộ cũng đang nghiên cứu cơ cấu lại trạm thu phí cho hợp lý, do vậy đã quyết định thu hồi quyền thu phí trạm Bảo Lộc. Trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư đã chuyển đủ các chi phí cần thiết để thu hồi quyền thu phí như quyết định.
Tuy nhiên, việc đưa chi phí thu hồi quyền thu phí vào tổng mức đầu tư dự án là chưa phù hợp với các quy định về cơ cấu tổng mức đầu tư nên khi TTCP có ý kiến, Bộ GTVT đã rà soát và phê duyệt quyết định điều chỉnh lại cơ cấu vốn đầu tư cho phù hợp.
Ông Tuấn Anh cho biết, việc thu lại trạm Bảo Lộc và chuyển trạm thu phí về Km145+500 để đảm bảo được khoảng cách các trạm không nhỏ hơn 70km theo quy định và thu phí hoàn vốn hiệu quả; góp phần đảm bảo tính khả thi của dự án BOT, giảm bớt chi phí nhà nước phải chi trả cho dự án theo hình thức BT đến trên 1000 tỷ đồng.
Ngày 8/8/2017, Bộ GTVT đã có quyết định 2339/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh lại trong cơ cấu tổng vốn đầu tư cho phù hợp với phương án tài chính theo đúng ý kiến của TTCP. Theo quyết định phê duyệt này, trạm Bảo Lộc là 285 tỷ đồng.
Giảm chi phí GPMB trong quá trình thực hiện
Kết luận của TTCP cũng cho rằng, việc xác định hạng mục chi phí GPMB dự án thiếu cơ sở, không chính xác. Giá trị phê duyệt mức đầu tư trong dự án là hơn 459 tỷ đồng, đến thời điểm thanh tra công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành nhưng chi phí thực hiện chỉ 32 tỷ đồng.
Lý giải cho sự chênh lệch quá lớn giữa giá trị phê duyệt và thực chi, ông Vũ Tuấn Anh cho biết, năm 2013 khi duyệt dự án nghiên cứu khả thi, GPMB dự án BOT là 59ha (chi phí 146 tỷ đồng), phần diện tích thành phần BT là 114ha (chi phí 450 tỷ đồng).
Trong quá trình thực hiện dự án, để đảm bảo thống nhất, xuyên suốt trong quá trình triển khai công tác bồi thường, GPMB cả tuyến QL20 từ Đồng Nai đến Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất thực hiện theo nguyên tắc: “vận động nhân dân hiến đất, chỉ hỗ trợ vật kiến trúc hoa màu” nên chi phí bồi thường giảm rất nhiều.
Ngoài ra, việc Bộ GTVT điều chỉnh giữ nguyên quy mô mặt cắt ngang đoạn qua đèo Prenn như hiện trạng và báo cáo Thủ tướng chuyển đường đèo Mimosa thành quốc lộ, còn tuyến đèo Prenn giao tỉnh quản lý, chủ yếu phục vụ du lịch cũng dẫn đến chi phí GPMB giảm trong tổng mức đầu tư đã duyệt.
Đến nay, chi phí GPMB đã điều chỉnh dự án chuẩn xác lại là hơn 112 tỷ đồng và đang quyết toán.
Về việc đầu tư dự án QL20 đoạn Km0-Km123 (Đồng Nai – Bảo Lộc) theo hình thức BT, ông Tuấn Anh cũng nói rõ, 2 dự án thành phần trên QL20 là những dự án độc lập, được thực hiện vào thời điểm khác nhau, do các nhà đầu tư khác nhau thực hiện.
Thực tế, trước khi dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km123-268 khởi công năm 2014, thì dự án thành phần 1 (Km0-Km123) đoạn Đồng Nai – Bảo Lộc thực hiện theo hợp đồng BT khởi công từ tháng 12/2011.
“Thực tế khi hoàn thành dự án, đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thời gian đi lại từ TP.HCM lên Đà Lạt giảm hàng giờ đồng hồ, tai nạn giao thông giảm đáng kể”, ông Tuấn Anh cho hay.
Vũ Điệp (Báo Vietnamnet, 10/5/2018)