Dưới gốc cây cổ thụ vừa bị cưa hạ lập tức một căn nhà đang mọc lên trong sự bức xúc của người dân TP Đà Lạt.

Nhiều người sinh sống tại phường 1 và 2, TP Đà Lạt bức xúc phản ánh, cây ngân hoa cổ thụ, khoảng 70 năm tuổi, đường kính gốc trên 1m, cao khoảng 20m tọa lạc tại nút giao thông Phan Bội Châu – Lý Tự Trọng – Bùi Thị Xuân đang tốt tươi, cành lá xanh um bỗng bị cưa hạ vào ngày 28-7 vừa qua.

Đặc biệt, tại vị trí cây ngân hoa vừa bị cưa hạ lập tức mọc lên một căn nhà khiến cho những người có trách nhiệm với Đà Lạt càng thêm bất bình.

Vị trí cây ngân hoa trước và sau khi bị chặt
Vị trí cây ngân hoa trước và sau khi bị chặt

Ông Thanh Hà, tổ trưởng tổ dân phố 8, phường 2, TP Đà Lạt cho biết, từ khi cây ngân hoa bị cưa hạ, rất nhiều người đã tìm tới gia đình ông trình ý kiến không đồng tình, chỉ trích cơ quan chức năng TP Đà Lạt, đề nghị làm rõ động cơ cưa hạ cây cổ thụ này.

Nhiều người lớn tuổi ngụ phường 1, và phường 2, TP Đà Lạt, đây là cây ngân hoa cổ thụ, gắn liền với sự phát triển của thành phố, không chỉ đơn thuần là cây cảnh quan mà có ý nghĩa lớn đối với người dân Đà Lạt.

Trước khi bị chặt cây ngân hoa vẫn tươi tốt, không có dấu hiệu bị chết
Trước khi bị chặt cây ngân hoa vẫn tươi tốt, không có dấu hiệu bị chết

Ông Phan Văn Phúc, thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Lạt cho biết, ngày 24-7, ông Bùi Tấn Sơn, ngụ tại số 1A, đường Bùi Thị Xuân có đơn xin chặt hạ khẩn cấp một cây bạch đàn (chứ không phải ngân hoa – PV) đã chết khô, có nguy cơ gãy đổ.

Sáng ngày 28-7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Lạt do ông Phan Văn Phúc làm trưởng đoàn với sự tham gia của đại diện Ban quản lý rừng Lâm Viên, Hạt kiểm lâm Đà Lạt tới xác minh hiện trường.

Biên bản xác minh chặt hạ cây khẩn cấp và ông Phan Văn Phúc, trưởng đoàn xác minh
Biên bản xác minh chặt hạ cây khẩn cấp và ông Phan Văn Phúc, trưởng đoàn xác minh

Bản xác minh ghi: “Sát mép lề đường Lý Tự Trọng, nằm ranh giới đường Lý Tự Trọng và nhà ông Bùi Tấn Sơn có một cây ngân hoa đã chết khô 2/3 cây tính từ gốc lên ngọn.. đường kính cây 80cm, cao 16m.. cây cách nhà ông Sơn 0,7m..”. Đoàn kiểm tra đã “thống nhất chặt hạ khẩn cấp” cây ngân hoa này.

Ngay ngày 28-7, cây ngân hoa bị cưa hạ trong sự bức xúc của người dân địa phương. Những người dân sinh sống lâu năm tại phường 1 và 2, TP Đà Lạt cho biết, trước khi bị cưa hạ, cây ngân hoa không có dấu hiệu nào cho thấy bị chết mà vấn sống rất tươi tốt, phát triển bình thường, song song cùng một cây ngân hoa khác.

Vì quá bức xúc, nhiều người đã tới nhà ông Thanh Hà, tổ trưởng khu phố 8, phường 2, TP Đà Lạt để phản ánh. Ông Hà xác nhận vào thời điểm cây ngân hoa bị cưa hạ đang phát triển bình thường, rất tươi tốt, song song cùng một cây ngân hoa khác. “Khi cây này bị chặt hạ, rất nhiều người đến trình bày với tôi, họ rất bức xúc, nhưng tôi thì đâu có thẩm quyền giải quyết việc này đâu”-ông Hà Nói.

Cây ngân hoa (bên phải) trước lúc bị cưa hạ
Cây ngân hoa (bên phải) trước lúc bị cưa hạ

Những hình ảnh được người dân ghi lại trước đó một lần nữa khẳng định hoàn toàn không có chuyện cây ngân hoa cổ thụ này bị chết khô 2/3, có nguy cơ gãy đổ giống như bản xác minh của Đoàn kiểm tra. Thậm chí, cây ngân hoa này phát triển rất tốt, thân cây thẳng đứng, gốc cắm sâu, rất vững chắc.

Điều khiến người dân ngạc nhiên hơn, khi cây ngân hoa vừa bị cưa hạ, lập tức dưới gốc cây này được gia đình ông Bùi Tấn Sơn (người xin chặt cây) động thổ xây nhà theo văn bản số 3017/UBND ngày 31-5-2016 của UBND TP Đà Lạt.

Theo đó, tổng diện tích đất sàn hiện trạng là 83,17m, căn nhà gồm 1 trệt và 1 gác. Trên thực tế vị trí đất được hộ ông Bùi Tấn Sơn đang xây nhà chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất vì thuộc nút giao thông Bùi Thị Xuân – Lý Tự Trọng – Phan Bội Châu.

Dưới gốc cây ngân hoa nay đang "mọc nhà"
Dưới gốc cây ngân hoa nay đang “mọc nhà”

Ông Võ Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đà Lạt cho biết, việc cưa hạ cây ngân hoa là do UBND TP Đà Lạt quyết định, đơn vị chỉ cử người tham gia xác minh. Ông Sơn không biết cây ngân hoa này thực tế đã chết hay còn sống mặc dù trụ sở Hạt kiểm lâm Đà Lạt cách cây vừa bị cưa hạ chỉ khoảng 500m.

Còn nhớ, ngày 8-8 vừa qua, để bảo vệ rừng, ông Nguyễn Ái Tĩnh, cán bộ Ban quản lý rừng Nam Ban đã bị nhóm người quá khích chém chết, anh Triệu Vũ Hiệp và anh Tân Khoa bị hành hung trọng thương phải nhập viện cấp cứu. Hiệp anh Tân Khoa vẫn phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

Để bảo vệ rừng, máu và tính mạng những người có trách nhiệm đã phải đổ xuống, thế nhưng ngay giữa Trung tâm Đà Lạt, cơ quan chức năng lại dễ dãi hợp thức hóa cưa hạ cây ngân hoa cổ thụ, và dưới gốc cây này đang mọc lên căn nhà khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Động cơ cưa hạ cây ngân hoa cổ thụ kia là gì?

Kim Ngân (Báo CAND, 13/08/2016)