“Bố vừa mất, mẹ ạ!”, câu nói trong tiếng nấc nghẹn ngào của cậu con trai lớn khi báo hung tin đã khiến chị khuỵu xuống, hoảng loạn, chới với và trống rỗng, mọi thứ trước mặt chị đều tối sẫm lại.

Ngồi cạnh cô con dâu, chị Diệu thất thần, đau đớn khi hay tin chồng mất mà không thể về chịu tang, nhìn mặt chồng lần cuối

Nhận hung tin từ cuộc gọi

Mười ba ngày qua, chị Đặng Thị Diệu (58 tuổi, thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, Đơn Dương) cùng cô con dâu đang thực hiện cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Đơn Dương.

Sáng 20/7, có lẽ sẽ là ngày chẳng bao giờ có thể xóa nhòa khỏi tâm thức của chị, ngày chị nhận hung tin chồng mất. Có nỗi đau nào hơn khi người “đầu ấp tay gối” cùng chia sẻ tất cả những đắng cay, ngọt bùi với chị không còn nữa. Là vợ, chị lại không thể về nhìn chồng mình lần cuối, tự tay thắp cho chồng nén nhang tiễn biệt, lo toan tang lễ cho trọn nghĩa vợ chồng.

“Khi nghe tin, mọi thứ đều chới với, tôi chỉ muốn xin đơn vị về ngay lập tức…”, tôi lặng người đi, mọi thứ đều đứt quãng bởi lời của chị qua điện thoại không còn rõ trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Ngay khi biết được nguyện vọng của chị Diệu, các cán bộ tại đây đã báo cáo và xin ý kiến của lãnh đạo các cấp về trường hợp đặc biệt này. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn và phòng, chống dịch lây lan ra cộng đồng, cấp trên khó có thể thu xếp cho chị về chịu tang chồng trong thời gian cách ly.

Chờ ngày về quấn vành khăn trắng

Chiều Đà Lạt, tôi gọi cho Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đơn Dương, hỏi thăm sức khỏe, công việc và tình hình dưới đó. Và rồi cái tôi nhận đầu tiên là một tiếng thở dài, anh kể: Hơn bao giờ hết, người dân ở đây họ có ý thức lắm em ạ! Nhưng đến sáng 20/7, trong này có một trường hợp đang thực hiện cách ly tập trung nhận được tin báo từ người nhà là chồng chị vừa mất, nhưng vì chưa hoàn thành xong cách ly nên không thể về chịu tang chồng được.

Tôi kết nối với chị Diệu qua một cán bộ đang thực hiện trực gác tại khu cách ly. Chị khóc và nói với tôi rất nhiều, rằng chị rất ân hận, tự trách mình chẳng giữ được nghĩa vợ chồng, khi trước đó, chồng chị phải nhập viện để điều trị căn bệnh suy thận giai đoạn cuối gần 2 tháng nay. Do buôn bán bận rộn nên chị phải nhờ người thân bên nội thay phiên nhau lên đó chăm sóc.

Chị Diệu kể, mười ba ngày xa cách chị không thể tự tay chăm sóc cho chồng cho đến khi anh trút hơi thở cuối cùng. Sáng 20/7, khi tiếng điện thoại reo lên, đó không phải là những cuộc hỏi thăm như thông lệ… thay vào đó lại là tin chồng mất. Không tin vào những gì mình vừa nghe, chị run rẩy, đôi chân khuỵu xuống rồi nấc lên từng cơn.

Trong nước mắt, chị nói: “Gia đình có 7 người thì bây giờ mỗi người một nơi. Cậu con trai đầu phải cách ly tại nhà. Còn con trai thứ hai, ngày lên chăm cha ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, thì được cán bộ y tế hướng dẫn phải đi cách ly tập trung trên đó. Còn tôi và cô con dâu cách ly tập trung tại đây. Riêng về phần hai đứa cháu nội vì còn quá nhỏ, lại lo kiếm tiền mưu sinh nên hai vợ chồng quyết định gửi về bên ngoại chăm nom từ mấy tuần trước đó”.

Nén nỗi đau vì cộng đồng

“Bản thân tôi cũng ý thức được rằng từ khi có ca dương tính với SARS – COV – 2 đến quán ăn của tôi thì tôi và các con cần phải cách ly dù mình bị hay không bị bệnh. Dịch COVID-19 chẳng biết đến khi nào kết thúc nhưng sự hợp tác của chúng tôi ngay lúc này là điều cần thiết. Chúng tôi đồng lòng cùng cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu chung sức phòng, chống dịch COVID-19”, chị Diệu chia sẻ.

Sẻ chia với những mất mát của chị Diệu và gia đình đang phải trải qua, Thượng tá Tống Xuân Thu, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đơn Dương bày tỏ lòng xót thương khi chứng kiến hoàn cảnh mỗi người một nơi của gia đình chị Diệu, càng đồng cảm hơn khi phải chịu tang chồng ở đây. Bản thân các anh – những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác cũng rất muốn tạo điều kiện để chị được về nhà nhìn mặt chồng lần cuối, nhưng theo quy định, dù trong hoàn cảnh nào thì công dân đang thực hiện cách ly cũng phải tuân thủ các quy định chống dịch.

“Điều duy nhất chúng tôi có thể làm cho chị và gia đình ngay lúc này là an ủi, động viên tinh thần. Cũng ngay khi biết thông tin, Ban CHQS huyện đã đến viếng, thăm hỏi và cử lực lượng dân quân phối hợp cùng chính quyền địa phương túc trực với gia đình lo liệu đám tang được trọn vẹn. Đến ngày tiễn đưa, chúng tôi sẽ cho người gọi video vào bên trong để chị Diệu được an tâm”, Thượng tá Tống Xuân Thu cho biết.

Ngập ngừng lúc lâu rồi chị nói: “Cũng phần nào mẹ con trong này đỡ day dứt hơn khi cậu con trai cả vừa mới kết thúc 14 ngày cách ly tại nhà. Âu cũng là vì cái chung, vì cộng đồng. Dù rất đau đớn vì không được nhìn mặt chồng lần cuối nhưng tôi nghĩ ở nơi xa chồng sẽ hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của 3 mẹ con”, nói đến đây, giọng chị Diệu đứt quãng vì không thể kìm được nước mắt nữa.

Lại thêm một câu chuyện đau lòng nữa trong những ngày dịch bệnh xảy ra, thêm những mất mát chẳng thể nói trước trong vô vàn câu chuyện của những trường hợp ở khu cách ly tập trung. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng hơn bao giờ hết, họ luôn ý thức và đặt tâm thế mình là F0 để tuân thủ phòng, chống dịch một cách nghiêm ngặt theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế, chiến sĩ túc trực nơi đây.

Thân Thu Hiền (Báo Lâm Đồng, 23/7/2021)

Nguồn: http://baolamdong.vn/toasoan-bandoc/202107/quan-that-noi-dau-de-tang-chong-trong-khu-cach-ly-3068774/