Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh đóng trên địa bàn thôn Trường Xuân, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt được thành lập với sự đồng ý cho phép của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhằm xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ và các thành phẩm khác có ích cho sản xuất. Tuy nhiên, do nhà máy xử lý rác thải chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện các hạng mục nhất là các hạng mục xử lý môi trường đã vội vàng đưa vào hoạt động nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến hàng chục hộ dân ở địa phương bức xúc.

Nước thải từ nhà máy xử lý rác thải thải trực tiếp ra 2 dòng suối chính, phụ tại xã Xuân Trường
Nước thải từ nhà máy xử lý rác thải thải trực tiếp ra 2 dòng suối chính, phụ tại xã Xuân Trường

Ngày 12/7/2016, có mặt tại thôn Trường Xuân và theo chân một số hộ dân đi vào địa phận hoạt động của nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh, đồng thời tiếp cận với khu sản xuất của hàng chục hộ dân trong thôn, chúng tôi chứng kiến cảnh rác thải chất thành đống cao như núi, không được che chắn; nước thải từ các đống rác chảy trực tiếp ra hai dòng suối chính, phụ, cùng nhiều vườn cà phê, rau, hoa của người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân không khỏi bức xúc, xót xa. Ông Phan Ngọc Đức, có vườn cà phê cách nhà máy gần 1 km về phía hạ nguồn bức xúc, trước đây toàn bộ vườn cà phê của ông được sử dụng nguồn nước từ hai dòng suối chính, phụ rất đảm bảo, nên cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao từ 4-5 tấn/ha. Nhưng từ khi nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh đi vào hoạt động, xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra hai dòng suối chính, phụ nói trên đã làm cà phê chết hàng loạt, số khác chưa bị chết thì ra hoa nhưng không đậu trái, làm thiệt hại rất lớn cho gia đình.

Cũng như ông Phan Ngọc Đức, ông Nguyễn Văn Sinh vừa đưa chúng tôi đi chứng kiến cảnh dòng nước suối bị ô nhiễm nghiêm trọng, một số diện tích dâu tây vừa bị chết, vừa ra hoa không đậu trái, hoặc có đậu cũng bị hư thối, bức xúc nói: “Từ khi nhà máy đi vào hoạt động xả nước và chất thải trực tiếp ra môi trường làm cho dòng suối đen ngòm, hôi thối, không còn một con cá tôm nào sống được. Người dân vì nhu cầu nước tưới, bơm máy lên tưới vườn thì rau, hoa phần bị chết, phần không ra hoa, đậu trái, hoặc bị hư thối. Đã thế, nếu lỡ rửa tay, chân tại hai dòng suối, thì gây ngứa, ghẻ rất khó chịu. Nhiều hôm, nắng nóng, có gió, ruồi nhặng bay đầy, ăn cơm, nghỉ ngơi đều phải chui vào màn, nhưng vẫn không chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc. Không chỉ có tại khu sản xuất bị ảnh hưởng, khu vực chợ Trại Mát cách nhà máy trên 2 km về phía hạ nguồn cũng không thoát nổi cảnh hôi thối, ruồi nhặng mỗi khi trời nắng nóng, có gió thổi. Điều nguy hại hơn, hai dòng suối chính, phụ bị ô nhiễm nguồn nước này đều đổ vào sông La Ba và hồ Thủy điện Đa Nhim, theo đập xả chảy vào sông suối của huyện Đơn Dương, TP Phan Rang (Ninh Thuận), nên không tránh khỏi gây nên những hệ lụy cho cuộc sống của người dân. Quá bức xúc vì thiệt hại quá lớn (trên 50 triệu đồng), tôi đã vào nhà máy, trực tiếp gặp Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty, nhưng cả hai đều ngỏ lời thông cảm “Biết làm sao được, nhà máy phải hoạt động để có tiền lương trả cho công nhân”.

Điều ngạc nhiên là, tại nhà máy, sơ đồ các hạng mục rất đồng bộ chặt chẽ, nhưng trong thực tế, thì từ việc phân loại rác thải, đến việc băm rác, rửa bao ni long đều rất đơn sơ; rác thải đổ tràn lan, chất đống ngoài trời, nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra suối không hề có hồ lắng, hồ xử lý môi trường. Đã thế, sân tập kết rác thải được cày xới lên để thẩm thấu nước, nên mỗi khi có mưa thì bùn, cát cứ thế theo dòng chảy tràn vào hai dòng suối chính, phụ phía dưới, không những gây ô nhiễm nguồn nước, mà suối còn bị bồi lấp bởi bùn, cát từ nhà máy, và chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành những dòng suối chết, bị xóa sổ vĩnh viễn.

12 giờ cùng ngày, có mặt tại nhà máy, chúng tôi xin vào gặp lãnh đạo nhà máy, nhưng không được tổ bảo vệ cho phép, với lý do “Đây là khu vực cấm, nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Giải thích mãi lý do vào nhà máy, vẫn không được vào, chúng tôi chỉ được tổ trưởng bảo vệ đưa điện thoại nói chuyện với lãnh đạo công ty, và bên kia đầu dây, giọng một lãnh đạo cho hay: Hiện nay, nhà máy đang ngưng hoạt động, công ty đang “điều đình giá xử lý rác thải với tỉnh, vì hiện nay giá quá thấp, không đủ trả tiền lương cho công nhân, nhà báo thông cảm, khi nào xong chúng tôi mời báo chí vào làm việc”. Không còn cách nào khác, chúng tôi ra về, trong sự bức xúc của người dân. “Nhà báo đừng tin các ông lãnh đạo công ty, vì thực tế nhà máy vẫn hoạt động, chỉ có điều, sau khi một người dân chụp hình xả nước, xả rác thải trực tiếp ra môi trường đăng lên mạng, thì ban ngày họ “án binh bất động”, nhưng ban đêm vẫn hoạt động và vẫn xả nước thải trực tiếp ra môi trường”.

Từ thực tế tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh, chúng tôi thiết nghĩ: Do chưa hoàn thiện hệ thống vận hành nhà máy, đặc biệt là hệ thống xử lý môi trường, nên nhà máy xử lý rác thải trên không được phép hoạt động. Nếu nhà máy cố tình tiếp tục hoạt động, dưới bất cứ lý do gì, thì các ngành chức năng của tỉnh cần phải có biện pháp xử lý từ xử phạt hành chính, đến kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động, giấy phép đầu tư, nhằm bảo vệ sự an toàn của môi trường thiên nhiên và cuộc sống của người dân. Bởi sau vụ xả nước thải của Tập đoàn Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Không vì thu hút đầu tư, hay tăng trưởng kinh tế mà bất chấp môi trường. Ngay cả Nhà máy chế biến giấy ở Hậu Giang dù đã xây dựng xong, nhưng chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không cho vận hành sản xuất. Đó chính là những bài học cảnh báo đối với tỉnh Lâm Đồng.

Hoàng Kiến Giang (Báo Lâm Đồng, 18/07/2016)