Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép… trên địa bàn thành phố Đà Lạt vẫn xảy ra tại các địa bàn. Để đảm bảo trật tự đô thị, ngành chức năng thành phố đã mạnh tay xử lý vi phạm và đưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Còn nhiều công trình vi phạm trật tự đô thị. Ảnh: H. Yên
Còn nhiều công trình vi phạm trật tự đô thị. Ảnh: H. Yên

Thời gian gần đây, chính quyền các thị trấn, thị xã, thành phố đã công khai đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, đặc biệt là các đồ án quy hoạch chi tiết. Theo UBND TP Đà Lạt, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch vẫn xảy ra, thậm chí nhiều công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Cương quyết cưỡng chế công trình sai phạm

Đầu năm 2016, UBND phường 4 và các ngành chức năng thành phố Đà Lạt đã tiến hành thực hiện biện pháp cưỡng chế tháo dỡ đối với 3 công trình nhà ở – xây dựng trong năm 2015 sai phép trên địa bàn. Bên cạnh đó còn có 4 trường hợp xây nhà ở không phép nhưng đủ các điều kiện xây dựng, địa phương đã hướng dẫn các thủ tục để người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Vấn đề đặt ra là khi thực hiện các biện pháp “mạnh tay” nêu trên, cơ quan chức năng và cả người dân đều thiệt hại về tiền của và công sức nên cần có biện pháp để ngăn chặn ngay từ đầu. Điển hình, trường hợp công trình xây dựng do gia đình bà Trần Thanh Tuyết (tổ 23 Quảng Thừa, phường 4) vi phạm trật tự xây dựng, đã được chính quyền yêu cầu dừng thi công, tháo dỡ nhưng không chấp hành theo quyết định của UBND phường 4. Chính vì thế, phường 4 đã ra quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình xây dựng nhà của bà Tuyết theo đúng quy định. Hay trường hợp của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Lạt đã xây dựng sai phép công trình nhà ăn, phường cũng đã xuống làm việc đình chỉ thi công, hướng dẫn bổ sung giấy phép xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND phường 4 cho biết: “Để thực hiện tốt theo chỉ thị của UBND thành phố Đà Lạt là công việc khó bởi nhiều yếu tố, như sự bất hợp tác từ phía các gia đình vi phạm. Tuy nhiên, quan điểm của UBND phường 4 là những gì sai phạm sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm theo đúng quy định.

Không chỉ riêng phường 4, hầu hết các địa phương ở Đà Lạt đã đạt được danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” nhưng vẫn còn tình trạng xây dựng công trình dân sinh sai phép, trái phép và lấn chiếm đất công, lề đường, lối thoát hiểm…

9 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng của thành phố đã phối hợp với các xã, phường tổ chức kiểm tra, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng 71 trường hợp vi phạm trật tự đô thị; trong đó, xây dựng không phép 36 trường hợp, xây dựng sai phép 31 trường hợp và 4 trường hợp vi phạm khác.

Gắn với trách nhiệm cá nhân

Theo Phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, sai quy hoạch diễn ra tại một số địa phương là do sự buông lỏng quản lý. Khi người dân vi phạm, địa phương không xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết. Bên cạnh đó, khó khăn nhất trong việc quản lý trật tự xây dựng chính là không phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm. Lực lượng của phòng còn “mỏng”, trung bình mỗi cán bộ của phòng phải quản lý 2 xã, phường nên không thể kiểm soát hết tình hình tại cơ sở. Việc phát hiện các vi phạm trật tự xây dựng phụ thuộc vào chính quyền các xã, phường, song một số địa phương chưa thật sự quan tâm đối với công tác này. Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho hay: Các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, thành phố kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm, biện pháp ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Người dân thường lén thi công vào ban đêm, lúc lực lượng chức năng không làm việc nên khi công trình đã hình thành, việc xử lý mất nhiều thời gian và kinh phí.

Ông Trình cũng cho biết thêm: Để giải quyết những tồn tại trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt các cấp chính quyền cơ sở. Thành phố Đà Lạt đã tăng cường phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa các phòng, ban với các xã, phường. Đồng thời, yêu cầu các xã, phường thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định khi sửa chữa, xây dựng nhà. Thêm vào đó, thủ tục, quy trình cấp giấy phép xây dựng cũng được cải cách theo hướng tinh giảm. Đặc biệt, đối với các trường hợp đất chưa có sổ đỏ nhưng người dân có nhu cầu sửa chữa nhà để ở, thành phố vẫn tạo điều kiện và chỉ cần đến UBND các xã, phường xác nhận nguồn gốc đất để thành phố làm căn cứ cấp phép sửa chữa tạm.

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ngoài việc điều chỉnh chính sách, các cơ quan, tổ chức, chính quyền cần nghiêm túc hơn trong xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có biểu hiện tiếp tay cho sai phạm. Đối với lực lượng thanh tra chuyên ngành, trong khi chờ sự điều chỉnh về khuôn khổ pháp lý, cần chủ động và tăng cường có các kế hoạch phối kết hợp với chính quyền địa phương mở các đợt cao điểm về thanh, kiểm tra để cùng thống nhất các biện pháp xử lý dứt điểm khi phát hiện sai phạm.

Hoàng Yên (Báo Lâm Đồng, 24/10/2016)