Một kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn đã được UBND tỉnh Lâm Ðồng đưa ra. Theo đó, tại 3 huyện phía Nam tỉnh gồm Ðạ Huoai, Ðạ Tẻh, Cát Tiên sẽ có 5 xã được sáp nhập. 

Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thị trấn Đạ M’ri – Đạ Huoai, một trong những đơn vị có sự sáp nhập xã trong thời gian đến. Ảnh: G.K

Giảm 5 xã, trên 200 người làm việc

Cụ thể, 5 xã được sáp nhập và giảm trong thời gian đến gồm 2 xã tại huyện Cát Tiên, 2 xã tại huyện Đạ Tẻh và 1 xã tại huyện Đạ Huoai.

Tại Cát Tiên, 2 xã được sáp nhập, đó là xã Mỹ Lâm, sẽ được sáp nhập vào xã Nam Ninh cùng xã Tư Nghĩa được sáp nhập vào xã Quảng Ngãi. Cả 2 xã này căn cứ theo các tiêu chí xếp hạng chưa đạt chuẩn về diện tích và qui mô dân số theo qui định.

Tương tự, tại Đạ Tẻh, có 1 xã cũng không đạt chuẩn về diện tích và quy mô dân số phải sáp nhập, đó là xã Hà Đông, được sáp nhập vào xã Mỹ Đức; còn xã Hương Lâm cũng chưa đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí này nhưng được sáp nhập vào xã Đạ Lây.

Tại Đạ Huoai, 1 xã được sáp nhập trong kỳ này là xã Đạ M’ri. Xã này có diện tích tự nhiên tương đối rộng nhưng qui mô dân số chưa đạt chuẩn, thuộc diện khuyến khích sắp xếp nhưng trong đợt này cũng được sáp nhập vào thị trấn Đạ M’ri.

Điểm thuận lợi là các xã được sáp nhập trên hầu hết nằm liền kề nhau, khá tương đồng nhau về kinh tế – xã hội.

Theo Sở Nội vụ Lâm Ðồng, sau khi sáp nhập, Lâm Ðồng sẽ giảm được 5 xã, có nghĩa là từ 147 xã, phường, thị trấn hiện nay giảm xuống còn 142 xã, phường, thị trấn.

Cùng đó, khi hoàn tất việc sáp nhập 5 xã trên, tỉnh cũng sẽ giảm số lượng biên chế hành chính đáng kể. Cụ thể, có tổng cộng 115 biên chế tính theo số lượng biên chế theo qui định làm việc tại 5 xã sẽ giảm trong đợt này; đồng thời cũng giảm 105 người hoạt động không chuyên trách ở 5 xã này. Tuy nhiên, số lượng giảm biên thực tế có ít hơn vì đa số các xã tại Lâm Đồng hiện nay thường không sử dụng hết toàn bộ số biên chế cũng như số người hoạt động không chuyên trách như qui định tại địa phương.

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2021 của tỉnh trong đợt này theo sự chỉ đạo của Trung ương nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả ở cấp cơ sở.

Lộ trình thực hiện

Theo yêu cầu của tỉnh, việc sáp nhập sẽ được hoàn thành trong năm 2019 này. Trong năm nay các đơn vị chức năng phối hợp cùng huyện kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị này đồng thời giải quyết chế độ chính sách dôi dư tại các xã sáp nhập. Trong năm 2020, sẽ tiến hành tổ chức đại hội Đảng bộ tại các xã mới hình thành sau khi sáp nhập; tiếp đến năm 2021, tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, kiện toàn tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tại các xã mới hình thành sau khi sáp nhập.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Sở Nội vụ tỉnh phối hợp với các đơn vị hướng dẫn UBND các huyện xây dựng đề án chi tiết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn; kiểm tra tiến độ thực hiện đồng thời tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy biên chế cán bộ, công chức, viên chức, đề xuất chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của đơn vị sáp nhập.

Tỉnh cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho nhiều sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh như Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thống kê, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông…, trong đó có lưu ý về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Đặc biệt, tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn hiểu rõ về chủ trương của Nhà nước hiện nay trong sắp xếp sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.

Tỉnh yêu cầu 3 huyện có các xã sáp nhập trên phải ban hành kế hoạch thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập sau khi kế hoạch của tỉnh ban hành; chỉ đạo xây dựng phương án, kế hoạch kiện toàn hệ thống chính trị, ổn định mọi mặt hoạt động trên địa bàn; tổ chức lại bộ máy theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo qui định của pháp luật. Huyện cũng chỉ đạo các bí thư, chủ tịch UBND xã có liên quan chủ động trong công việc; cho niêm yết danh sách cử tri, tổ chức lấy ý kiến của người dân, thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, khi xây dựng đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì các cấp địa phương của tỉnh phải có phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại những xã mới dự kiến hình thành sau sắp xếp; đồng thời cũng cần có phương án sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư.

Gia Khánh (Báo Lâm Đồng, 14/08/2019)